Củng cố các chỉ số cải cách hành chính, Quảng Ninh giữ vững vị trí dẫn đầu
Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh giữ vị trí dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh cũng có sự thăng hạng xuất sắc khi vươn lên vị trí dẫn đầu toàn quốc.
Cụ thể, tổng điểm của Chỉ số PAR INDEX tỉnh Quảng Ninh đạt được là 90,09/100 điểm, tăng 1,03 điểm so với năm 2018 và là địa phương duy nhất nằm trong nhóm đạt điểm xuất sắc.
Chỉ số SIPAS tỉnh Quảng Ninh đạt 95,26% và lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng toàn quốc và cao hơn so với kết quả đánh giá năm 2018 của tỉnh là 4,11%.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thứ hạng của từng trục nội dung, đạt 44,66 điểm và vươn lên đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng với 3 Chỉ số trên, Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) của tỉnh năm 2019 cũng có sự cải thiện.
Sau 4 năm liên tiếp đứng ở vị trí thứ 4 bảng xếp hạng thì năm 2019 đã vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc với 0,735 điểm, tăng 0,0954 điểm so với năm 2018. Chỉ số ICT được đánh giá ở 3 thành phần chính gồm: Hạ tầng kỹ thuật; Hạ tầng nhân lực công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.
Xác định công tác cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh, Quảng Ninh đã thực hiện thành công nhiều giải pháp về cải cách hành chính, nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo những đột phá mới trong phát triển.
Tính đến năm 2020, tỉnh đã có 4 năm thực hiện đánh giá PAR INDEX, SIPAS, PAPI và năm đầu tiên thực hiện đánh giá ICT. Tại các hội nghị đánh giá này, cơ quan chuyên môn đã đánh giá, phân tích, làm rõ những điểm yếu kém, chưa đạt kết quả như kỳ vọng, gợi mở những giải pháp mới cho tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, cải cách hành chính là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, cần phải thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả Chủ tịch tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần phát huy những kết quả đạt được, đồng thời nhận diện những tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục.
Yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị, thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính của mình, đề xuất cắt giảm thủ tục không cần thiết, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công các cấp, cải thiện chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.
Nghiêm túc phê bình và xử lý nghiêm đối với các trường hợp CBCCVC gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, tổ chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc; khai thác có hiệu quả các tiện ích của chính quyền điện tử, vận hành hiệu quả Trung tâm Điều hành thành phố thông minh.
Cũng tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh năm 2019.
Trong đó, Sở Thông tin - Truyền thông xếp thứ nhất khối các sở, ban, ngành, xếp thứ 2 và thứ 3 lần lượt là các Sở Xây dựng, Tư pháp.
Ở khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, TX.Đông Triều là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng, TP.Uông Bí và huyện Đầm Hà là 2 địa phương có sự tăng điểm và vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3. Khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Cục Hải quan tỉnh là đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng, Cục Thuế tỉnh đứng thứ 2.
Về kết quả điều tra sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) năm 2019, tỉnh Quảng Ninh cũng vinh danh 3 đơn vị dẫn đầu các khối gồm: Sở Thông tin - Truyền thông; TP.Hạ Long và Công an tỉnh.
Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) năm 2019, 3 địa phương có số điểm cao nhất lần lượt là: TP.Hạ Long, huyện Tiên Yên và TX.Quảng Yên.
Đối với mức độ xếp hạng Chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương năm 2019, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh dẫn đầu khối các sở, ngành; TP.Uông Bí dẫn đầu khối các địa phương cấp huyện; khối các địa phương cấp xã là phường Nam Khê (TP.Uông Bí).
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Ký khẳng định, để tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, Quảng Ninh xác định tiếp tục có đề án và đầu tư phù hợp, gắn với hiệu quả sau đầu tư trong việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, chính quyền điện tử, chuyển mạnh sang chính quyền số gắn với thành phố thông minh.
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tỉnh phấn đấu hoàn thành sớm việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại.
Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Trong đó, tập trung thông tin công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, nhất là trong thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đầu tư công, thu chi ngân sách...
Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên dương, khen thưởng 44 tập thể và 31 cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần nâng cao các Chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT và đạt kết quả cao về Mức độ chính quyền điện tử cấp sở, cấp huyện, cấp xã năm 2019.