Cuộc chạy đua "xanh hóa", phát triển bền vững: HEINEKEN, AEON, Masan và VPBank đã nhập cuộc thế nào?

13/11/2024 08:58 GMT+7
Chuyển đổi xanh - chuyển đổi số là chìa khóa cho tương lai bền vững của doanh nghiệp Việt. Từ việc HEINEKEN áp dụng năng lượng tái tạo, Masan High-Tech Materials phát triển kinh tế tuần hoàn, đến REPEET đột phá với thời trang tái chế, mỗi câu chuyện đều khẳng định vai trò tiên phong trên hành trình xanh hóa, phát triển bền vững.

Ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường. Việc triển khai Chuyển đổi kép xanh-số cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan, trong đó, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Cuộc chạy đua "xanh hóa": HEINEKEN, AEON, Masan và VPBank đã nhập cuộc thế nào? - Ảnh 1.

Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại HEINEKEN Việt Nam, chia sẻ: Trong mọi hoạt đông kinh doanh và sản xuất của HEINEKEN Việt Nam.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại HEINEKEN Việt Nam, chia sẻ: Trong mọi hoạt đông kinh doanh và sản xuất của HEINEKEN Việt Nam, phát triển bền vững luôn là yếu tố trọng tâm, và cũng là cách để chúng tôi gắn kết cùng cộng đồng địa phương. HEINEKEN Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng tối đa mô hình kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp này hiện sử dụng 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất. Trong năm 2023, Heineken Việt Nam đã giảm 93% phát thải CO2 trong sản xuất so với năm 2018.

"Với HEINEKEN Việt Nam, con người chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc thực thi chiến lược phát triển bền vững. Con người tạo ra quy trình, sáng tạo và đổi mới, chính vì thế, chúng tôi không ngừng thúc đẩy việc thực thi từ các cấp lãnh đạo đến nhân viên các phòng ban, cùng chung tay hành động, chẳng hạn như: Những hoạt động đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực; Việc đưa ra những chính sách và hướng dẫn nội bộ và quản lí các dự án nhằm đảm bảo việc đáp ứng với các quy định mới nhất và các phương pháp tiên tiến nhất; Có những chính sách thưởng cho các mục tiêu liên quan đến giảm khí thải carbon ở các cấp lãnh đạo và phòng ban liên quan", bà Ánh thông tin.

Bền vững về con người cũng là một trong nhân tố đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh của AEON, đặc biệt là đưa Việt Nam trở thành thị trường thứ 2 – sau Nhật Bản. Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị chiến lược Nguồn nhân lực, Truyền thông Đối ngoại và Phát triển bền vững, AEON Việt Nam cho biết, AEON Việt Nam tự hào là một doanh nghiệp chú trọng yếu tố phát triển bền vững về con người. Chúng tôi cũng đồng thời cho rằng yếu tố đào tạo, phát triển con người là phúc lợi lớn nhất của người lao động khi làm việc tại AEON.Tất cả những người lao động tại AEON Việt Nam đều được lãnh đạo ứng dụng phương pháp khai vấn, từ đó giúp họ phát triển năng lực và được trao quyền chủ động trong công việc. Theo bà Huệ, điều này rất quan trọng, bởi thế hệ trẻ ngày nay đặc biệt quan trọng đến việc được giao quyền. Những sáng kiến về phát triển bền vững đến từ chính các bạn sẽ mở ra nhiều cơ hội để AEON phát triển mạnh mẽ hơn.

Đối với ngành dệt may, ông Văng Viên Thông - CEO & Founder, thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET cho biết, bắt nhịp với xu hướng Net Zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP26, REPEET đang nỗ lực hành động góp phần giảm phát thải carbon, giảm rác thải nhựa xả ra môi trường, và tối ưu việc tiêu thụ nước trong sản xuất dệt may. Thay vì sử dụng polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ, REPEET sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững từ sợi polyester tái chế có nguồn gốc tại Việt Nam.

"Tiên phong trong việc tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam thành các sản phẩm may mặc bền vững không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn mở ra một mô hình kinh doanh mới, đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của ngành dệt may toàn cầu. Việt Nam, một quốc gia xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu trên thế giới, REPEET đã và đang chứng minh được tiềm năng không giới hạn trong ngành công nghiệp này", ông Thông nhấn mạnh.

Cuộc chạy đua "xanh hóa": HEINEKEN, AEON, Masan và VPBank đã nhập cuộc thế nào? - Ảnh 2.

Ông Craig Richard Bradshaw - Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials.

Chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp, ông Craig Richard Bradshaw - Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials nhấn mạnh rằng, Masan High-Tech Materials tạo nên sự khác biệt trên thị trường toàn cầu nhờ chiến lược phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, tập trung vào tái chế, phát triển sản phẩm xanh và hướng đến tăng trưởng xanh. Cụ thể, công ty áp dụng mô hình 3Rs "Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế" vào mọi hoạt động sản xuất và vận hành. Đồng thời, không ngừng cải tiến để hướng tới mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải và tối ưu hóa tài nguyên.

Masan High-Tech Materials đã phát triển công nghệ cao thông qua 2 cơ sở nghiên cứu tiên tiến tại Đức và Việt Nam. Công ty cũng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, các trường đại học và viện nghiên cứu để nâng cao hiệu suất năng lượng của quy trình sản xuất kim loại cứng từ quặng, phế liệu thành công cụ thành phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ cần thiết để triển khai các giải pháp bền vững. Việc áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững thường yêu cầu đầu tư ban đầu lớn làm tăng chi phí hoạt động.

"Trong phát triển chiến lược bền vững hiệu quả, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa chi phí đầu tư và lợi ích dài hạn. Phải nắm rõ từng bước trong chuỗi cung ứng để bảo đảm rằng mọi quy trình đều đáp ứng tiêu chuẩn bền vững. Doanh nghiệp không nên tăng giá quá cao cho sản phẩm bền vững. Việc tăng giá không hợp lý có thể khiến người tiêu dùng không mặn mà với sản phẩm", ông Craig Richard Bradshaw khuyến nghị.

Cuộc chạy đua "xanh hóa": HEINEKEN, AEON, Masan và VPBank đã nhập cuộc thế nào? - Ảnh 3.

bà Tống Diệu Linh - Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch, VPBank.

Đối với ngành ngân hàng, bà Tống Diệu Linh - Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch, VPBank thừa nhận, sự cạnh tranh cũng đang ngày càng lớn trong lĩnh vực chuyển đổi số, đồng thời là chuyển đổi xanh. Các ngân hàng không thể không theo đuổi các tiêu chí ESG. VPBank là một trong những tổ chức tín dụng đi đầu tham gia vào lĩnh vực tín dụng xanh, tăng trưởng danh mục xanh tại Việt Nam.

"Kinh nghiệm của VPBank là trong một tổ chức phải xây dựng được chính sách về phát triển bền vững và lan tỏa được trong toàn hệ thống từ ban lãnh đạo đến cán bộ nhân viên. Sự đồng hành chung tay không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp với nhau mà còn là sự chung tay trong nội bộ tổ chức, lúc này sự chuyển đổi số - chuyển đổi xanh mới có nhiều cơ hội thành công. Câu chuyện dẫn đầu trong xu thế chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, cân đối giữa lợi ích chuyển đổi và chi phí của doanh nghiệp, lợi nhuận của cổ đông là một bài toán lớn đối với tất cả doanh nghiệp", bà Linh nói.

Bà Linh cho hay, VPBank cũng có thành công trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ hỗ trợ trong việc cung cấp nguồn vốn xanh cho doanh nghiệp mà còn là cung cấp giải pháp và những tài trợ kỹ thuật giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn tài chính xanh, xây dựng cải tiến để tiết kiệm năng lượng, chi phí trong việc vận hành doanh nghiệp.

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam nhìn nhận: Câu chuyện chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh - chuyển đổi số) với những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam, cùng nhiều các tổ chức phát triển, hiện đã có những tác động tích cực nhất định tới cộng đồng các Doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, các Doanh nghiệp lớn thường sẽ có khả năng tiếp cận nhanh hơn, và chuyển từ nhận thức thành hành động một cách rõ ràng hơn. Trong khi các công ty nhỏ và vừa thì đa phần mới ở nhận thức, chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt.

H.Anh
Cùng chuyên mục