Một doanh nghiệp “bội thu” nhờ cước vận tải biển "biến động"
Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (HOSE: PVP) đã có báo cáo tài chính quý 2/2024, ghi nhận kết thúc quý 2, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 359 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cho thấy, lợi nhuận sau thuế thu nhập của PVP đạt hơn 62 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế từ đầu năm 2024, PVP có mức lợi nhuận sau thuế đạt hơn 109 tỷ đồng, tăng hơn 8%.
Giải trình về kết quả kinh doanh, lãnh đạo PVP cho biết, lợi nhuận trong quý II tăng so với cùng kỳ do đội tàu của công ty tiếp tục khai thác trên thị trường quốc tế với giá cước tốt.
Cùng với đó, PVP cũng thực hiện tiết giảm tốt chi phí đội tàu. Ngoài ra, các yếu tố chênh lệch tỷ giá tăng và doanh thu tài chính giảm cũng làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty.
Cũng theo báo cáo tài chính quý 2/2024 của Công ty CP Vận tải Xăng dầu Vitaco (HOSE: VTO) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 31,6 tỷ đồng, tăng mạnh tới 290% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của VTO chủ yếu đến từ việc cung cấp dịch vụ vận tải khi chiếm tới hơn 253 tỷ đồng. Kết thúc quý II, doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 24,6 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, VTO chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận với gần 53 tỷ đồng, tăng 165% so với nửa đầu năm 2023. VTO có được doanh thu tăng mạnh là do chủ yếu đến từ giá vốn hoạt động vận tải giảm (chi phí khấu hao đội tàu viễn dương giảm).
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, giá cước vận tải biển tăng mạnh từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến cho các doanh nghiệp vận tải biển gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá về giá cước vận tải biển tăng cao, VLA chỉ ra, trong vòng 1 tháng gần đây, giá cước tăng đột biến và tăng cao hơn so với với đầu năm. Việc này đã tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn khi chi phí bị đội lên cao mà còn đối diện với nhiều rủi ro, bị phạt hợp đồng nếu chậm trễ trong giao hàng.
Nguyên nhân khiến cước vận tải tăng cao được xác định là do việc định tuyến lại các tàu từ Biển Đỏ qua Mũi Hảo Vọng đã gây ra tình trạng thiếu công suất, tắc nghẽn cảng ngày càng tăng. Phần khác là do những dấu hiệu leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.