Cuối năm, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh

29/11/2021 17:51 GMT+7
Bất chấp những hạn chế trong việc đi do Covid-19, nhưng giá thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch Covid-19 khiến kinh tế bị đình trệ, đứt gãy dẫn đến suy yếu; nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản, giải thể, liên tục phải dừng mọi hoạt động đầu tư xây dựng bán dự án.

Thị trường cũng chứng kiến tình trạng đứt gãy cung ứng nguyên vật liệu – thiết bị; khó khăn thực hiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian phê duyệt – cấp phép xây dựng; vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến không thể phê duyệt hồ sơ đầu tư dự án.

Cuối năm, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh - Ảnh 1.

Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên). Ảnh: Hòa Phát

Trong báo cáo vừa công bố, Savills Việt Nam nhận định, phân khúc bất động sản công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn (RBF) vẫn đang là lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư do nhu cầu thuê nhà xưởng và nhà kho chất lượng cao đang tăng. Trong đó, giá thuê bất động sản công nghiệp đã và đang tăng chậm lại cả ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc lẫn phía Nam.

Tuy nhiên, đáng lưu ý có một số tỉnh như Hưng Yên và Bà Rịa -Vũng Tàu có giá thuê tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá chào thuê đất khu công nghiệp (KCN) tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 94 USD/m2 (khoảng 2,1 triệu đồng), tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở khu vực phía Bắc, Hưng Yên có mức tăng mạnh nhất, đạt mức 22% so với cùng kỳ năm ngoái và giá là 101 USD/m2 (hơn 2,3 triệu đồng), tương đương khu vực Hải Phòng.

Về nguồn cung đất công nghiệp, bất chấp đợt bùng phát Covid-19 mới ở Việt Nam, một số khu công nghiệp mới đã được thành lập và các dự án công nghiệp trọng điểm đã bắt đầu hoạt động.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp - Savills Việt Nam nhận định, sự gián đoạn sản xuất tại các nhà máy và khu công nghiệp đã được các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi. Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang bắt đầu hình thành ở những nơi khác trong khu vực Đông Nam Á do Việt Nam không còn cung cấp các ưu đãi như cũ, và những ngành này (như dệt may và nội thất) phải vật lộn để tìm nguồn lao động và đất đai có giá cả phải chăng tại Việt Nam.

Tuy nhiên theo vị này, các nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Chuyên gia Savills cho rằng, Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do FTA và việc di dời ra khỏi Trung Quốc. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, một số xu hướng được kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện.


Minh Khôi
Cùng chuyên mục