Cựu CEO Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh sẽ tham gia Hội đồng quản trị VNG?

05/12/2022 15:20 GMT+7
Kỳ lân Công ty CP VNG vừa công bố các tờ trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Cựu CEO Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh tham gia Hội đồng quản trị VNG

Nội dung chính tại ĐHĐCĐ bất thường lần này gồm: miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT cũng như bầu lại thành viên HĐQT; lên phương án bán hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ.

Theo đó, VNG sẽ lấy ý kiến về việc miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT là ông Bryan Fredric Pelz, bà Byun Jung Won, và ông Vũ Việt Sơn; đồng thời bầu thành viên HĐQT thay thế cho nhiệm kỳ 2022 - 2025.

VNG dự kiến bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT, danh sách ứng cử viên bao gồm bà Christina Gaw, ông Edphawin Jetjirawat, ông Võ Sỹ Nhân và ông Nguyễn Lê Quốc Anh.

Cựu CEO Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh sẽ tham gia Hội đồng quản trị VNG? - Ảnh 1.

VNG chuẩn bị lên sàn.

Bà Christina Gaw hiện đang là người điều hành chính của Gaw Capital Partners, giám đốc điều hành Pioneer Global Group, giám đốc không điều hành độc lập CLP Holdings Limited.

Ông Edphawin Jetjirawat là đồng sáng lập và đối tác công ty TNHH Koon Tree Holdings. Ông cũng từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc điều hành của Temasek International Private Limited, Phó chủ tịch Lombard Investments Asia và cộng sự Merrill Lynch Phatra.

Ông Võ Sỹ Nhân đang là giám đốc điều hành EMPIRE CITY LLC và đồng sáng lập và giám đốc điều hành GAW NP CAPITAL.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh từng là Tổng giám đốc của Techcombank, Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư T-Mobile US, Phó Chủ tịch Wells Fargo.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh từng là Tổng giám đốc của Techcombank (từ 9/2016 đến tháng 9/2020) và xin nghỉ theo nguyện vọng cá nhân. Được biết, ông Nguyễn Lê Quốc Anh gia nhập Techcombank từ tháng 5/2015 với vị trí Giám đốc khối Chiến lược và Phát triển ngân hàng.

Giai đoạn 2016 - 2019, dưới thời ông Nguyễn Lê Quốc Anh, lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng trưởng bình quân 63%/năm. Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 19%/năm; trong khi vốn chủ sở hữu tăng bình quân 42%/năm.

VNG dự kiến chào bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ

VNG dự kiến chào bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 24,74% vốn điều lệ cho CTCP Công nghệ BigV (BigV) nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn lưu động, vốn cho đầu tư và hoạt động kinh doanh để mở rộng và phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Với mức giá chào bán dự kiến là 177.881 đồng/cp, thương vụ có thể giúp VNG thu về 1.264,4 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được VNG chi cho phí bản quyền phần mềm trò chơi (764,4 tỉ đồng) và phí marketing (500 tỉ đồng).

Toàn bộ số cổ phiếu quỹ được bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Về phía BigV, pháp nhân này được thành lập vào tháng 8/2021, vốn điều lệ đã góp là 101 tỉ đồng. BigV đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Tòa nhà Golden King (Quận 7, TP.HCM), ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính; người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Vi Hải Long.

BigV hiện đang sở hữu 1,64 triệu cổ phiếu VNG, tương đương tỷ lệ 5,7% vốn điều lệ. Nếu việc nhận chuyển nhượng 7,1 triệu cổ phiếu VNG diễn ra đúng kế hoạch, tỷ lệ sở hữu của BigV ở VNG sẽ tăng lên mức 30,5%, tương 8,75 triệu cổ phiếu.

Trong quý III/2022, VNG đạt gần 2.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021, lỗ sau thuế quý 254,5 tỷ đồng trong quý III, cùng kỳ lãi 31,8 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 150 tỷ đồng. Với kết quả này, đây là quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận lỗ đậm.

Lũy kế 9 tháng, VNG ghi nhận doanh thu 5.763 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm 764 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm ngoái lãi 196 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh này, VNG mới hoàn thành khoảng 56% kế hoạch doanh thu năm 2022, còn lợi nhuận sau thuế âm theo kế hoạch là khoảng 993 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của VNG giảm nhẹ so với đầu năm xuống 9.189,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 55,8% với 5.126 tỷ đồng, giảm 29,5% so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền biến động không đáng kể với 2.448,6 tỷ đồng, đáng chú ý khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn sụt giảm mạnh 67,5% còn 837,6 tỷ đồng, đây là các khoản tiền gửi tại ngân hàng tương mại có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm và hưởng lãi suất dao động đến 5,6%. Như vậy trữ tiền của VNG "bốc hơi" hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm.

Phải thu ngắn hạn khác giảm một nửa xuống 504 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 59% xuống gần 71 tỷ đồng.

Tài sản dài hạn tăng mạnh lên hơn 107% lên hơn 4.063 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản đầu tư vào công ty liên kết tăng mạnh, trong đó đầu tư vào công ty liên kết tăng gần 360% lên 1.273 tỷ đồng, đầu tư vào các đơn vị khác đạt hơn 278 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 24% lên 3.610 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 2.671,5 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm; trong đó chi phí phải trả ngắn hạn tăng 41,4% lên 1.353 tỷ đồng. Nợ dài hạn tăng 74,5% lên 939 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG vào các công ty liên kết đã lên tới hơn 603 tỷ đồng, tăng hơn 82 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Dữ liệu cho thấy, VNG hiện đang nắm hơn 65% vốn Công ty Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay). Công ty đã đầu tư vào Zion hơn 2.560 tỷ đồng, tăng 680 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, công ty đã trích lập thêm 214 tỷ đồng vào cuối quý 2, nâng tổng trích lập lên gần 2.060 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VNG còn phải gánh thêm các khoản lỗ từ công ty liên kết khác. Đến cuối tháng 9, công ty lỗ lũy kế tới 510 tỷ đồng tại Tiki Global, 46 tỷ đồng tại Telio, 21 tỷ đồng tại Funding Asia và 19 tỷ đồng tại Ecotruck (logistics)...


An Vũ
Cùng chuyên mục