Cựu Phó TGĐ được bảo lĩnh trong vụ Mobifone–AVG bật khóc trước tòa

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 18/12/2019 15:12 PM (GMT+7)
Bị cáo Phạm Thị Phương Anh, cựu Phó TGĐ của Mobifone đã bật khóc trước tòa khi trả lời câu hỏi của luật sư (LS).
Bình luận 0

Chiều nay (18/12), phiên tòa vụ Mobifone – AVG tiếp tục phần xét hỏi, LS Vũ Gia Trưởng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đặt câu hỏi với bị cáo Phạm Thị Phương Anh, cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone.

Bị cáo Phạm Thị Phương Anh nói: “Là những người lãnh đạo trong vụ án này, tôi nghĩ ai cũng đau nên ai cũng chỉ mong muốn được sự khoan hồng của pháp luật để tất cả chúng tôi sẽ được làm người công dân có ích cho xã hội và là người con có hiếu với bố mẹ, cũng có thể để cho con mình những gì đó học tập được. Tôi mong HĐXX, đại diện Viện KS thấu hiểu những suy nghĩ, cố gắng của chúng tôi”.

Bị cáo Phương Anh nói thêm, 14 bị cáo trong vụ án đã cố gắng trung thực, khai báo thành thực và mỗi người “một chân, một tay” khắc phục hậu quả mình gây ra.

img

Bị cáo Phạm Thị Phương Anh, cựu Phó TGĐ của Mobifone trước phiên tòa chiều này (18/12)

Trả lời câu hỏi về các văn bản tình trạng tài chính yếu kém, thua lỗ của AVG có báo cáo lên cấp trên không, bị cáo Phương Anh cho rằng, các báo cáo, đánh giá đã có trong hồ sơ vụ án, bà không muốn bất cứ một ai từ cấp trưởng ban trở xuống còn phải đứng trước tòa giống như bà ngày hôm nay.

“Những nội dung đó chuyển đi đâu, như thế nào, từng người một hãy nói để làm sao cho lương tâm mình không bị day dứt và hãy nói để làm sao cho đồng đội xung quanh mình ra khỏi phiên tòa, cũng như cuộc sống sau này vẫn sẽ tiếp tục còn là bạn, biết đâu sẽ lại là đồng nghiêp, thấy hoạn nạn còn giúp đỡ nhau. Đó là mong mỏi, suy nghĩ của tôi nên lúc nào cũng nghĩ phải cố gắng để những người xung quanh không bị ảnh hưởng bởi những gì mình nói, làm”, bị cáo Phạm Thị Phương Anh nói.

Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Thị Phương Anh, với vai trò, trách nhiệm là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính, kế toán của Mobifone; Tổ trưởngTổ giúp việc; Tổ trưởng Tổ đàm phán; biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần cao so với giá trị của AVG thể hiện trên sổ sách kế toán. Phạm Thị Phương Anh cùng Ban Tổng giám đốc ký Báo cáo số 5054/MOBIFONE ngày 14/9/2015 trình HĐTV; cùng Ban Tổng giám đốc ký Quyển dự án để HĐTV trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án.

Bị can tham gia cuộc họp ngày 18/9/2015 giữa Mobifone với đại diện AVG; tham gia cuộc họp ngày 02/10/2015 do Bộ TTTT chủ trì cùng với các Thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc Mobifone và AVG thống nhất giá mua là 8.898,3 tỷ đồng, tương đương 95% cổ phần của AVG theo nguyên trạng.

Sau khi có Quyết định phê duyệt dự án, Phương Anh đã thực hiện việc thu xếp, bố trí nguồn vốn để thanh toán cho các cổ đông chuyển nhượng của AVG không đúng như phương án ban đầu. Ngoài ra, Phạm Thị Phương Anh còn tham gia ký khống biên bản họp Ban Tổng giám đốc ngày 24/12/2015.

Bà Phạm Thị Phương Anh sinh năm 1975, bà bị truy tố tội Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Khi bị khởi tố bà Phương Anh bị bắt tạm giam từ tháng 11/2018, sau đó đến tháng 8/2019 được chuyển biện pháp ngăn chặn sang bảo lĩnh.

Điều 121 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bảo lĩnh như sau:
Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem