Đà Nẵng: Độc đáo một ngôi làng giữa phố-nơi sinh ra của những danh nhân hào kiệt, nổi tiếng với đặc sản bánh “7 lửa”

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ bảy, ngày 01/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Nằm ở vùng ngoại ô, làng quê Cẩm Lệ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nổi tiếng với vẻ đẹp thanh bình bên dòng sông Cẩm Lệ hiền hòa. Nơi đây là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa của cha ông, là nơi sinh ra của những danh nhân hào kiệt, và vang danh khắp vùng với đặc sản bánh khô mè.
Bình luận 0

Làng Cẩm Lệ chiều sâu lịch sử-văn hóa một vùng đất

Trước đây, làng Cẩm Lệ thuộc địa phận 3 xã Hòa Phát, Hòa Thọ, Hòa Xuân của huyện Hòa Vang và phường Khuê Trung thuộc quận Hải Châu. Đến tháng 8/2005, TP Đà Nẵng thành lập quận Cẩm Lệ dựa trên diện tích tự nhiên đã có, chia thành 6 phường gồm: Hòa Phát, Hòa An, Hòa Thọ Ðông, Hòa Thọ Tây, Hòa Xuân, Khuê Trung.

Clip - Giữa chốn phồn hoa đô thị, Làng Cẩm Lệ vẫn giữ được nét văn hóa lịch sử đặc sắc.

Là mảnh đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh hoa của nhân loại, làng Cẩm Lệ ngày nay vẫn còn lưu giữ những di tích lịch sử - văn hóa giữa sự thay đổi chóng mặt của quá trình đô thị hóa. 

Điển hình như di tích lịch sử Nghĩa Trũng Hòa Vang, lăng mộ Ông Ích Khiêm, đình làng Lỗ Giáng, đình làng Cổ Mân, đình làng Hòa An, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ,….

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 2.

Dòng sông Cẩm Lệ hiền hòa, bồi đắp phù sa cho làng rau La Hường, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

Đảm nhiệm công việc Trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng Hòa An đã nhiều năm, ông Nguyễn Hữu Lự (78 tuổi) chia sẻ: "Vào khoảng cuối thế kỉ XVII, ông Nguyễn Hữu Tiên (người Nghệ An) vào đây khai hoang và lập nên làng Hòa An (xưa thuộc huyện Hòa Vang). Để tưởng nhớ công ơn đó, dân làng cùng với anh em các tộc họ đã lập đình làng Hòa An để làm nơi thờ phụng bậc tiền hiền và đại diện các dòng tộc".

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 3.

Cổng tam quan đình làng Hòa An.

Vào năm 1937, đình làng Hòa An được xây dựng kiên cố, bao gồm gian nhà thờ chính điện và bên trái là nhà hội họp. Đến năm 2008, UBND TP Đà Nẵng công nhận đình làng Hòa An là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố và được trùm tu cho đến ngày nay.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 4.

Chính điện đình làng Hòa An là nơi thờ thần và đại diện 47 tộc họ.

Mùng 10/3 âm lịch hàng năm, dân làng Hòa An tổ chức lễ cúng tại đình làng để tưởng niệm công ơn của các bậc tiền nhân. Đặc biệt cứ 3 năm một lần, lễ hội đình làng sẽ được diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, có sự tham gia của đông đảo người dân.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 5.

Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ ở vùng đất làng Cẩm Lệ có tuổi đời hơn 200 năm.

Nằm lọt thỏm giữa một bên sông một bên phố, vùng trồng rau sạch thuộc Hợp tác xã (HTX) La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) quanh năm rực rỡ những sắc màu của cây trái, hoa lá. Nhờ phù sa sông Cẩm Lệ bồi đắp, những luống rau, giàn mướp, giàn bầu luôn tươi tốt, đem lại nguồn thu nhập khá cho người nông dân.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 6.

Nhờ phù sa sông Cẩm Lệ bồi đắp, những luống rau, cây trái luôn tươi tốt, đem lại nguồn thu nhập khá cho người nông dân.

Hơn 30 năm canh tác tại làng rau La Hường, ông Trần Trọng Luận (66 tuổi) tâm sự: "Dải đất ven sông Cẩm Lệ này rất thuận lợi để trồng các loại rau củ quả và tôi chú trọng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ rau màu mà gia đình tôi có nguồn kinh tế ổn định, được HTX bao tiêu một phần, cung cấp rau sạch cho người dân thành phố".

Đặc sản bánh "7 lửa" của vùng đất Cẩm Lệ

Làng Cẩm Lệ xưa nổi tiếng với nghề làm bánh khô mè truyền thống, trong đó nức tiếng nhất là chiếc bánh khô mè Bà Liễu Mẹ với hương vị thơm ngon, giòn ngọt riêng biệt.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 7.

Kiến trúc cổ kính của đình làng với mái ngói âm dương, long lân quy phụng….

Anh Huỳnh Đức Sol (30 tuổi) – Quản lý cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ tự hào nói: "Gia đình tôi có truyền thống làm bánh khô mè khoảng 200 năm. Cơ sở bắt đầu sản xuất thường xuyên và xây dựng thương hiệu được hơn 30 năm nay, đến tôi là đời thứ 3 kế nghiệp. Chiếc bánh khô mè là món ăn dân dã của người xưa, nó không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền và theo chân du khách thập phương trở thành món quà quê ý nghĩa".

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 8.

Năm 2008, UBND TP Đà Nẵng công nhận đình làng Hòa An là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.

Sở dĩ bánh khô mè được dân gian gọi là bánh "7 lửa" hoặc "khô khổ", là do quá trình làm bánh trải qua nhiều công đoạn khá vất vả, với 7 lần sử dụng lửa từ bếp than hồng. Những nguyên liệu để làm bánh khô mè lại rất đơn giản, hầu như nhà nào ở quê cũng có như: gạo tẻ, gạp nếp, mè, đường, gừng.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 9.

Mùng 10/3 âm lịch hàng năm, dân làng Hòa An tổ chức lễ cúng tại đình làng để tưởng niệm công ơn của các bậc tiền nhân khai khẩn, lập làng...

Hạt gạo quê được vuốt sạch, để ráo, xay thành bột và cho vô khuôn để tạo hình vuông, đem hấp chín. Sau đó cho bánh gạo vừa chín tới xếp lên lò nướng, đến khi bánh khô ráo, giòn tan thì nhúng qua nước đường đã thắng tới và "tắm" đều lớp mè rang. Nếu làm bánh khô nổ thì lớp mè được thay bằng nếp rang. Đợi khi chiếc bánh thành phẩm thật nguội thì chuyển qua khâu đóng gói.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 10.

Làng rau sạch La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) nằm lọt thỏm giữa một bên là dòng sông Lệ một bên là phố phường tấp nập.

Anh Sol chia sẻ: "Nấu nước đường là công đoạn quan trọng nhất, là linh hồn của chiếc bánh khô mè, tạo nên độ ngọt, dẻo và màu vàng óng cho bánh. Vì thế chỉ người có kinh nghiệm lâu năm mới làm được và ba tôi là người đảm nhiệm công việc này".

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 11.

Giữa mùa nắng nóng, giàn bí đao do nông dân làng rau La Hường trồng vẫn luôn trĩu trái.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 12.

Nông dân làng La Hường chủ yếu có thu nhập từ nghề trồng rau xanh quanh năm...

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 3.000 - 4.000 sản phẩm bánh khô mè các loại, giá dao động từ 20.000 - 50.000 đồng/gói (hộp). Tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với mức lương 5.000.000-6.000.000 đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ vào dịp lễ Tết.

Đà Nẵng: Độc đáo ngôi làng có di tích Chăm cổ, nổi tiếng với đặc sản bánh “bảy lửa” - Ảnh 13.

Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ là đặc sản nổi tiếng của TP Đà Nẵng, được nhiều du khách mua về làm quà.

Chiếc bánh khô mè Bà Liễu Mẹ không chỉ là món bánh cổ truyền được dâng lên bàn thờ ông bà ngày Tết, mà đã trở thành đặc sản nổi tiếng được bày bán ở nhiều siêu thị, cửa hàng đặc sản trên cả nước. Thuộc top 10 đặc sản bánh quà tặng nổi tiếng Việt Nam, được công nhận sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP của TP Đà Nẵng năm 2020.

Làng Cẩm Lệ có những giá trị văn hóa lịch sử hiện hữu, phong cảnh hữu tình và lưu giữ nghề làm bánh truyền thống, vì thế nơi đây trở thành một địa điểm du lịch thú vị của nhiều du khách. Từ đó, tạo động lực để làng Cẩm Lệ "thay da đổi thịt" từng ngày, phát triển song hành cùng với việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem