Thái Nguyên: Làng cổ Phương Độ thờ thành hoàng là một vị anh hùng cái thế được 2 vua nhà Lý cùng gả công chúa

Thanh Tuyền Chủ nhật, ngày 25/04/2021 06:15 AM (GMT+7)
Cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 30km về phía Đông Nam, làng Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những làng cổ còn giữ được nét văn hóa xưa của làng quê Bắc bộ, bao gồm nếp sinh hoạt, công trình kiến trúc, lễ hội văn hóa và đời sống sản xuất.
Bình luận 0

Làng cổ Bắc bộ giữa vùng "đệ nhất danh trà"

Ở vùng "đệ nhất danh trà" tỉnh Thái Nguyên, có một ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi, vẫn lưu giữ và bảo tồn những di sản quý báu của ông cha cho đến ngày nay.

Đó là làng Phương Độ thuộc tổng tổng La Đình, huyện Tứ Nông, phú Phú Bình, xứ Thái Nguyên (nay là xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Clip: Đình Phương Độ - ngôi đình cổ quy mô lớn nhất trong số những ngôi đình còn lại đến ngày nay ở tỉnh Thái Nguyên.

Ngôi làng cổ ở xứ "đệ nhất danh trà", còn đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa cũ - Ảnh 1.

Cổng làng đặc biệt ở Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) do hai cây đa hàng trăm năm tuổi vấn vít vào nhau tạo thành.

Theo lưu truyền, người đầu tiên đến lập làng là một tướng quân dưới triều Lê, gốc Thanh Hoá, được sắc phong làm Thái Bảo Đô Đốc quận công, có công phò tá nhà Lê. Sau khi đất nước yên bình, ông đã vận động người dân của 13 dòng họ từ Thanh Hoá đến nơi đây khai khẩn đất đai. Từ đó, dần hình thành nên ngôi làng Phương Độ đông đúc, no ấm, yên vui…

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Phương Độ vẫn còn đó hình ảnh ngôi đình cổ, nghè cổ trường tồn theo thời gian.

Những nếp nhà xưa cũ, trầm mặc, những cây đa hàng trăm năm…là những nét đặc trưng tiêu biểu của làng quê Bắc Bộ. 

Gắn với sự hình thành và phát triển của một ngôi làng cổ chắc chắn không thể không nhắc đến cổng làng. Nhưng có lẽ chỉ ở Phương Độ, cổng làng mới trở thành nét riêng, không lẫn với bất kỳ ngôi làng cổ nào khác. 

Ngôi làng cổ ở xứ "đệ nhất danh trà", còn đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa cũ - Ảnh 2.

Một cây đa cổ thụ với cành lá sum sê, hàng mấy người ôm không xuể ở làng cổ Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên).

Đặt chân đến đầu làng Phương Độ, chính là 2 cây đa cổ thụ vấn vít, tán lá sum sê rợp mát, thân cây to hàng mấy người ôm không xuể, tạo thành một "cổng làng" đầy huyền bí.

Ở làng Phương Độ, đầu làng, cuối làng, giữa làng hay bên cạnh những di tích đình Phương Độ, nghè trên, nghè dưới... đều rợp bóng của những cây đa cổ thụ. 

Nhưng hai cây đa cổ thụ tạo thành "cổng làng" Phương Độ là hai cây đa già nhất, dễ có khi đã trên 500 năm và không ai biết chính xác. Bởi theo người dân Phương Độ nơi đây, từ khi sinh ra, họ đã thấy hai "cụ" đa hiện hữu, gắn với sự hình thành và phát triển của làng Phương Độ.

Hiện nay, dù một "cụ" đa đã bị mục gãy, nhưng vòm cổng vẫn ôm lấy con đường nhỏ dẫn vào làng, trở thành biểu tượng của làng, khiến những người con xa quê luôn nhớ về.

Ngôi làng cổ ở xứ "đệ nhất danh trà", còn đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa cũ - Ảnh 3.

Giống như những làng quê cổ truyền ở Bắc Bộ, cây đa luôn hiện hữu khắp nơi ở làng Phương Độ, đặc biệt là ở những địa điểm tâm linh như đình Phương Độ, nghè trên, nghè dưới

Nằm giữa làng Phương Độ là đình Phương Độ - ngôi đình cổ bề thế, quy mô lớn nhất trong số những ngôi đình còn lại đến ngày nay ở tỉnh Thái Nguyên.

Đình cổ thờ thành hoàng là anh hùng Dương Tự Minh

Theo ông Đồng Văn Vừa - Phó Ban quản lý di tích đình Phương Độ, đình được xây dựng vào thời Hậu Lê, khoảng năm 1511 – 1512, thờ Thành Hoàng của làng là Cao Sơn Quý Minh đại vương, tức Dương Tự Minh.

Ông là một thủ lĩnh người dân tộc Tày, có công lớn trong việc đoàn kết các dân tộc để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới của quốc gia. 

Có lẽ, ông là nhân vật anh hùng duy nhất trong lịch sử Việt Nam được 2 đời vua gả công chúa: Vua Lý Nhân Tông gả công chúa Diên Bình vào năm 1127; vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung vào năm 1144.

Ngôi làng cổ ở xứ "đệ nhất danh trà", còn đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa cũ - Ảnh 5.

Đình Phương Độ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.

Đình Phương Độ khi xưa được dựng ở bãi nổi sông Cầu, nhưng do lũ lụt, thiên tai nên người dân đã di chuyển đình. Đến năm 1903, người dân làng Phương Độ di chuyển đình lần thứ 3 và giữ vị trí hiện nay.

Dù trải qua nhiều lần di chuyển vị trí, nhưng đình Phương Độ vẫn giữ nguyên và bảo tồn kiến trúc cổ thời Lê với mái đình được làm bằng ngói mũi, bốn góc cong vút ẩn hiện dưới tán cây đa cổ thụ.

Ngôi làng cổ ở xứ "đệ nhất danh trà", còn đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa cũ - Ảnh 6.

Gian chính giữa đình Phương Độ là nơi đặt ban thờ gồm thượng cung, hạ cung và hương án trang trọng.

Trong đình Phương Độ hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: 1 sắc phong và 2 bức đại tự thờ Dương Tự Minh thời vua Khải Định; bàn hương án của cuối thời Lê đầu thời nguyễn; bát hương sành cổ (thời Lê); hai cây nến đồng thời Lê…

Ngoài ra, trong đình còn những câu đối, các bức tranh bằng gỗ lim, bộ bát bửu,… không biết đã có từ bao giờ.

"Sắc phong từ thời vua Khải Định được người dân làng Phương Độ bao đời nay và cơ quan văn hóa địa phương các cấp bảo tồn, gìn giữ. Sau này, chúng tôi sẽ tiếp tục trao truyền cho các thế hệ mai sau giữ gìn", ông Đồng Văn Vừa - Phó Ban quản lý di tích đình Phương Độ cho biết.

Theo các cụ cao niên trong làng, hằng năm, ở đình Phương Độ diễn ra 3 dịp lễ lớn: Thượng nguyên, Cầu mát và Đại lệ (hay còn gọi "lệ làng"). Trong đó, "lệ làng" là dịp lễ lớn nhất trong năm, tổ chức từ ngày 9 đến 11 tháng 10 (âm lịch) để tạ ơn Thành Hoàng làng đã phù hộ mùa màng bội thu và dâng lễ vật được chế biến từ sản vật địa phương để báo ân với Ngài.

Ngôi làng cổ ở xứ "đệ nhất danh trà", còn đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa cũ - Ảnh 10.

Sắc phong từ thời vua Khải Định hiện còn được lưu giữ tại đình Phương Độ.

Những nghi lễ trong lễ hội vẫn được người dân làng Phương Độ tổ chức theo đúng phong tục tập quán xưa của các cụ để lại, từ việc tế lễ, rước kiệu, hội thi bánh chưng, bánh giầy…

Ông Hoàng Văn Nho - Ủy Viên Ban quản lý di tích, phụ trách tế lễ, cho biết: "Vào mùng 10/10 âm lịch, lệ làng hằng năm là làng lại đưa hai chiếc kiệu tới hai nghè trên và nghè dưới, mời hai ngài quan văn Đỗ Như Mai và quan võ Lý Hiển Vinh về để làng thờ một đêm theo tục lệ cổ truyền của làng Phương Độ từ xưa đến nay. Tất cả các cụ cao tuổi và có chức sắc trong làng đều đi theo hai kiệu này để mời hai ngài."

Ông Dương Quang Tuyên - Phó Chủ tịch xã Xuân Phương - Trưởng ban quản lý các di tích lịch sử xã Xuân Phương, trên địa bàn xã Xuân Phương có 4 di tích được công nhân: Đình Phương Độ, đình Xuân La, đình làng Hin, nhà thờ họ Dương Hữu.

Trong đó, đình Phương Độ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993. Năm 2018, lễ hội truyền thống đình Phương Độ cũng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đình Phương Độ không những là nơi thờ tự, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống, kiến trúc cổ độc đáo mà còn là một cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

"Từ lãnh đạo cấp ủy đảng chính quyền đến bà con nhân dân trong xã đều ý thức được đình Phương Độ là nơi có giá trị văn hóa cổ. Do vậy, việc tuyên truyền vận động, tự nguyện đóng góp để gìn giữ và bảo tồn rất được bà con hưởng ứng. Trong 2 năm gần đây, với sự hảo tâm công đức của các tổ chức, tập thể, cá nhân, nhân dân trong làng tu bổ vào khoảng 2 tỷ đồng".

Ngôi làng cổ ở xứ "đệ nhất danh trà", còn đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa cũ - Ảnh 7.

Ngôi nhà ba gian đậm nét văn hóa làng quê Bắc Bộ đã gần 100 tuổi.

Không chỉ còn giữ gìn và bảo tồn đình, nghè cổ, ở làng Phương Độ còn tồn tại những nếp nhà cũ, đậm nét văn hóa làng quê vùng Bắc Bộ. Một trong những ngôi nhà cổ còn giữ gìn nguyên vẹn ở làng Phương Độ là của ông Nguyễn Khắc Nghiên (74 tuổi, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Căn nhà theo lối ba gian chồng rường được xây dựng vào năm 1939, làm hoàn toàn thủ công bằng gỗ lim đá và gỗ xoan. Đồ vật trong ngôi nhà như y môn, cái ché, cái khoản, án gian được chạm khắc bằng tay... cũng đều có tuổi đời gần trăm năm.

Ngôi làng cổ ở xứ "đệ nhất danh trà", còn đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa cũ - Ảnh 8.

"Ông cha ngày xưa vất vả mãi mới làm được ngôi nhà, nên dù nhiều người trả giá cao tôi cũng tôi không bán. Tôi vẫn muốn giữ lại cái lối cổ, nên luôn nói với con cháu cố gắng giữ đến bao giờ không sửa được nữa hẵng thôi. Con cháu của tôi bây giờ cũng rất thích ở căn nhà này", ông Nguyễn Khắc Nghiên cho biết.

Hương ước tốt đẹp của làng lưu giữ muôn đời

Ở làng Phương Độ, người dân không chỉ giữ gìn được những kiến trúc cổ, mà còn giữ gìn cả nếp sống sinh hoạt và sản xuất truyền thống. 

Để giữ gìn khuôn phép, người dân làng Phương Độ đã đặt ra hương ước riêng với 39 điều. Trong đó, hương ước làng Phương Độ tập trung chủ yếu vào các nội dung liên quan đến việc tế tự, tôn ti trật tự, bảo vệ xóm làng, đồng ruộng, các khoản đóng góp với làng xóm, khuyến khích học tập, tinh thần trọng lão, đạo hiếu với cha mẹ…

Còn về sản xuất truyền thống, ngoài duy trì nghề trồng lúa nước, người dân Phương Độ còn giữ gìn và phát triển nghề mộc. Nói về nghề mộc ở Phương Độ, không ai nhớ rõ đã có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, nghề mộc mỹ nghệ ở đây được truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng phát triển ở Phương Độ.

Nhờ nghề mộc mỹ nghệ truyền thống, người dân làng Phương Độ ngày càng có cuộc sống khá giả, nhiều gia đình thu nhập hàng tỷ đồng/năm. 

Năm 2010, làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp bằng công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh.

Ngôi làng cổ ở xứ "đệ nhất danh trà", còn đậm dấu ấn của làng quê Bắc Bộ xưa cũ - Ảnh 9.

Nghề mộc mỹ nghệ truyền thống ở Phương Độ

Hiện nay làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ có gần 60 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng trên 250 lao động.

Làng nghề phát triển đã giúp người dân phát triển sản xuất hiệu quả và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dù ngày nay đã có nhiều đổi thay, con người làng Phương Độ vẫn cố gắng bảo tồn những nét đặc trưng của làng quê. Đồng thời giữ gìn đạo đức, truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn tổ tiên... đã gây dựng nên mảnh đất và con người nơi đây. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem