Đà Nẵng: Kỹ sư 8X bỏ phố lên núi nuôi thỏ, trồng nấm vươn lên làm giàu
Đứng trên vùng đất cằn trơ sỏi đá thuộc thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, anh Dương Văn Chính bồi hồi nhớ lại: "Từ miền quê nghèo Hiệp Đức (Quảng Nam), tôi khăn gói ra Đà Nẵng học tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Tốt nghiệp năm 2004, tôi sớm tìm được công việc kỹ sư cơ khí với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, cuộc sống gia đình tại thành phố còn lắm chật vật, khiến tôi nung nấu ý định tìm về thôn quê để lập trang trại nuôi thỏ".
Vào năm 2009, anh Chính là người đầu tiên mang mô hình nuôi thỏ trang trại về Đà Nẵng. Bản thân anh là tay ngang rẽ hướng sang nông nghiệp, mọi kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi thỏ đều được anh tích lũy từ sách báo, internet. Dốc hết vốn liếng, anh đầu tư 200 triệu đồng mua 100 con thỏ giống và xây dựng chuồng trại.
Vừa cho thỏ ăn, anh Chính vừa nói: "Lặn lội ra tận Hà Nội mua 100 thỏ giống, nhưng khi về nuôi thì chết 40 con do thời tiết nắng nóng. Thêm cách phối giống chưa phù hợp, nguồn thức ăn chưa đạt chuẩn nên đàn thỏ chậm lớn. Nhưng không nản lòng, tôi lại vào Quy Nhơn tìm mua giống thỏ ngoại New Zealand, California, Pháp về nghiên cứu, lai tạo giống thỏ khỏe hơn, mắn đẻ và thích nghi tốt với điều kiện thời tiết thất thường".
Nhờ dày công chăm sóc mà đàn thỏ của anh Chính đã nhân lên 3.000 con, với 8 trại thành viên được anh hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra. Thỏ nuôi sau 3 tháng sẽ bán thịt với giá 80.000 đồng/kg, thỏ giống 150.000 đồng/kg, thỏ nuôi cảnh giá 150.000 đồng/con. Nhờ đó, anh Chính vươn lên làm giàu với mức lãi ròng hơn 360 triệu đồng mỗi năm.
Sự thành công từ trang trại thỏ Quốc Cường đã giúp anh Chính thêm yêu nền nông nghiệp xanh, tiếp thêm động lực để anh đầu tư 250 triệu đồng phát triển mô hình trồng nấm bào ngư trên 700m2 đất cũng tại xã Hòa Ninh. Hiện nay, anh đang trồng khoảng 25.000 bịch phôi nấm bào ngư tím, cung cấp cho thị trường hơn 60kg nấm mỗi ngày.
Anh Chính tâm sự: "Trồng nấm chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc, nhưng để đạt năng suất cao thì tôi áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Chú trọng tạo môi trường sạch sẽ, nhiệt độ dưới 30 độ C, độ ẩm 80-85% và có màn che để tránh ruồi nhặng đẻ trứng gây hại. Bên cạnh đó, tạo được môi trường dinh dưỡng cao thì tơ nấm sẽ phát triển tốt, tăng năng suất và chất lượng".
Để ứng phó với nền nhiệt oi bức của miền Trung, anh Chính đã dùng hệ thống phun sương tự động để giữ ẩm cho nhà nấm. Đầu tư lò hấp nguyên liệu tạo phôi nấm (mùn cưa cao su, cám bắp, cám gạo) để giảm nhân công, tăng năng suất và tạo nên bịch phôi có môi trường sinh trưởng tốt. Ngoài việc trồng nấm, anh còn nhận cung cấp bịch phôi nấm bào ngư trắng và tím, nấm linh chi, nấm mèo đen…
Bằng việc kết hợp trồng nấm bào ngư tím treo giàn và cổ nút, mỗi ngày trại nấm của anh Chính bán ra khoảng 60kg nấm với giá 40.000 đồng/kg. Đặc biệt vào những ngày rằm, mồng 1, lễ Tết thì nấm dao động từ 50.000-70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi hơn 300 triệu đồng. Và qua đó, anh tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
"Nuôi thỏ và trồng nấm bào ngư là những mô hình kinh tế mới có giá trị cao, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân. Vì thế, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm để nhà nông cùng vượt khó vươn lên làm giàu", anh Chính hào hứng nói.