Mất trắng do thiên tai, nông dân xuống đồng làm lại từ đầu

18/11/2020 09:29 GMT+7
Sau những đợt mưa lũ ngập trắng đồng, người dân trở lại những thửa ruộng của mình cặm cụi "làm lại từ đầu". Dù bao vốn liếng từ đầu vụ đều mất trắng nhưng họ không biết kêu ai, bấu víu vào ai để bớt khó khăn.

Lũ chồng lũ, bão chồng bão liên tiếp vừa qua khiến nhiều bà con trồng rau sạch ở Đà Nẵng trắng tay, gián đoạn quá trình sản xuất. Khi thời tiết có nắng ấm, nông dân lại khẩn trương làm đất, tập trung trồng rau quả chuẩn bị cho rau vụ Tết.

Trên cánh đồng rau của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, nhiều nông dân đang hăng hái cày xới đất với hi vọng phủ lại một màu xanh mới cho những thửa ruộng bị bão lũ tàn phá hơn một tháng qua.

Đà Nẵng: Vượt qua bão lũ chồng chất, nông dân tái sản xuất rau vụ cuối - Ảnh 1.

Nông dân vùng rau sạch Túy Loan hăng hái sản xuất rau vụ cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Xa (66 tuổi) bộc bạch: "Sau lụt thì rác các loại, cành cây, bèo, xác động vật nằm lại bề mặt ruộng rất nhiều, tôi phải tranh thủ lúc trời tạnh ráo để dọn dẹp sạch sẽ và làm đất. Trước mắt, tôi xuống giống các loại rau ngắn ngày như rau cải, rau muống để cung cấp cho thị trường. Cùng với đó tôi cải tạo đất, lên luống để trồng các loại bầu bí, mướp, khổ qua, cà tím…để kịp bán Tết".

Đà Nẵng: Vượt qua bão lũ chồng chất, nông dân tái sản xuất rau vụ cuối - Ảnh 2.

Hiện nay, bà con tập trung trồng các loại rau ngắn ngày như: rau cải, mồng tơi, rau muống… Đồng thời gieo trồng các giống cây dài ngày chuẩn bị cho vụ Tết: khổ qua, mướp, dưa leo…

Cạnh diện tích rau của bà Xa là 5 sào rau quả của vợ chồng ông Đặng Công Hải (71 tuổi). Trong mưa lũ vừa qua, hai vợ chồng già gần như mất trắng vì rau quả mới xuống giống chưa thể thu hoạch. Hiện nay, thời tiết đang ổn định nên họ lại cần mẫn làm đất xuống giống. Tập trung trồng rau ngắn ngày như cải và mồng tơi để đáp ứng nhu cầu rau đang khan hiếm. 

Bà Đào (56 tuổi), nông dân tại vườn rau Túy Loan than thở: "Tôi chưa thấy năm nào bão lũ nhiều và dồn dập như năm này, cứ làm ra cọng rau nào thì mưa gió vùi dập cọng đó. Chỉ mong thời tiết ổn định để tôi yên tâm đầu tư sản xuất rau vụ đông và chuẩn bị cây trồng cho vụ rau Tết được mong chờ nhất trong năm".

Đà Nẵng: Vượt qua bão lũ chồng chất, nông dân tái sản xuất rau vụ cuối - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Xa đang chuẩn bị bón phân và lên luống để gieo trồng cây cà tím, dự định sẽ thu hoạch trước Tết.

Cũng tại vườn rau La Hường có diện tích lớn nhất của TP.Đà Nẵng, bà con nông dân đang tập trung sản xuất rau vụ cuối năm. Những mái vòm bị nghiêng ngã do gió bão đã được dựng lại kiên cố, ruộng đất được cày xới và mầm xanh của rau lá đang tươi tốt trở lại. Nếu nắng ráo ổn định thì vụ rau này sẽ giúp nông dân gỡ gạc lại vốn liếng đã bị thiệt hại nặng sau bão lũ triền miên.

Đang xới đất trên 4 sào ruộng, ông Nguyễn Văn Phu (61 tuổi) chia sẻ: "Nông dân trồng rau thì khổ cực quanh năm, mùa nắng thì rau chết, đến vụ đông thì mưa lụt khó canh tác, nguy cơ mất trắng cao. Tôi chỉ mong thời tiết thuận lợi để gieo trồng rau vụ cuối, kiếm đồng ra đồng vào".

Đà Nẵng: Vượt qua bão lũ chồng chất, nông dân tái sản xuất rau vụ cuối - Ảnh 4.

Thời tiết đang nắng ráo, se lạnh, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tái sản xuất.

Cũng theo ông Phu, mưa lũ vừa qua ông mất trắng 4 sào rau quả đang độ đơm hoa kết trái. Vì ngâm trong nước lũ lâu nên đành phải phá bỏ cả giàn cây trái để chuẩn bị gieo trồng vụ mới. Những hàng rau ông trồng gần bờ sông Cẩm Lệ cũng khó phát triển vì mực nước sông chưa ổn định.

Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX rau an toàn La Hường cho biết: "Khi mưa lũ qua đi, thời tiết hanh khô, se lạnh như hiện nay sẽ thuận lợi cho nông dân trồng rau vụ đông xuân. Đặc biệt, từ nay cho đến Tết, các xã viên La Hường sẽ tăng gia sản xuất rau màu các loại trên tổng diện tích là 9ha, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao của người tiêu dùng trong dịp này".

Mặc dù trên gương mặt của những người nông dân vẫn vui vẻ khi được ra đồng cày xới lại trên thửa ruộng của mình sau những đợt mưa lũ lớn. Nhưng ai cũng biết họ đang đối mặt với không ít khó khăn khi việc cải tạo đất cho đến giống cây trồng, vật nuôi, phân bón họ vẫn phải tiếp tục đi vay nguồn tiền để tái sản xuất.

Rủi ro do thiên tai là điều không ai mong muốn nhưng người dân vẫn luôn mong ngóng những chính sách hỗ trợ kịp thời để họ sớm khắc phục được những rủi ro do thiên tai, ổn định cuộc sống. Việt Nam là nước bão lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra, do vậy đã đến lúc chính quyền, người dân cần có những giải pháp dài hạn để đảm bảo những nguy cơ rủi ro đối với thành quả lao động vất vả của mình.

Tuyết Nhung - Trần Hậu
Cùng chuyên mục