Đà Nẵng: Tín dụng chính sách "đòn bẩy" thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển
Đối tượng chính sách được gia hạn nợ
Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Đà Nẵng cho biết, năm 2020 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, hoạt động kinh tế, xã hội bị ngưng trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Thành ủy, HĐND, UBND và các Sở, ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, sự chỉ đạo sát sao của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố, quận, huyện đã nỗ lực tổ chức, triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế tại địa phương.
Thực hiện giải pháp của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước, NHCSXH TP Đà Nẵng có những giải pháp giúp những khách hàng có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh Covid-19. Các đơn vị trực thuộc chi nhánh NHCSXH thành phố chủ động nắm bắt tình hình dịch trên địa bàn và ảnh hưởng của dịch đối với những khách hàng sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn.
Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro đúng quy định, kịp thời gia hạn nợ; khoanh nợ; cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2020, chi nhánh đã gia hạn 1.009 khách hàng với số tiền hơn 35 tỷ đồng. Triển khai cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động do đại dịch Covid-19. Trong năm chi nhánh đã giải ngân cho 3 khách hàng với số dư nợ là 742 triệu đồng để trả lương cho 318 lao động ngừng việc.
Trong năm 2020, NHCSXH đã cho vay 3.033 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững; duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho 18.623 lao động; 806 học sinh - sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng 2.744 công trình nước sạch, 2.635 công trình vệ sinh môi trường ở huyện Hòa Vang, 248 khách hàng vay vốn nhà ở xã hội, 19 khách hàng hoàn lương, 343 cán bộ, công chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn....
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Vượt thách thức đạt kết quả ấn tượng
Ông Chung cho biết thêm, trải qua một năm cực kỳ khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả tích cực, qua đó giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống…
Kết quả, đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn đạt 2.867 tỷ đồng, tăng 465 tỷ đồng (19,33%) so với năm 2019. Doanh số cho vay đạt 1.218 tỷ đồng, tăng 140 tỷ đồng so với năm 2019 với 26.498 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 753 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng so với năm 2019.
Đến ngày 31/12/2020, toàn thành phố có 70.812 khách hàng còn dư nợ, tổng dư nợ đạt 2.861 tỷ đồng, tăng 464 tỷ đồng (19,33%) so năm 2019. Trong đó, dư nợ từ nguồn vốn Trung ương đạt 1.704 tỷ đồng với 14 chương trình tín dụng chính sách, dư nợ từ nguồn vốn địa phương đạt 1.158 tỷ đồng với 9 chương trình tín dụng chính sách.
Các chương trình cho vay từ nguồn vốn Trung ương gồm: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xuất khẩu lao động; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; dự án NIPPON; làm nhà tránh bão, lũ; sau cai, mại dâm; nhà ở xã hội; trả lương ngừng việc do Covid…
Chương trình cho vay từ nguồn vốn địa phương gồm: Chương trình cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; nhà ở xã hội; hoàn lương; di dời giải tỏa; cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn; cho vay theo Quyết định số 3212/QĐ-UBND của UBND thành phố để cho các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất tái định cư vay trả nợ đúng hạn và các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện giải tỏa, di dời nhà vay xây nhà để ở.
UBND thành phố đã ủy thác sang NHCSXH đợt 1 số tiền 100 tỷ để triển khai cho vay 2 chương trình tín dụng mới. Đến cuối năm 2020, chi nhánh đã giải ngân cho vay 73 khách hàng với số tiền 10.591 triệu đồng.
Trong các chương trình cho vay, hiện nay dư nợ chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt dư nợ 1.714 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,9%/tổng dư nợ. Đây được coi là điểm sáng trong các chương trình cho vay tại địa phương.
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của thành phố, xây dựng thành phố "4 an"; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội.