Đã rõ lý do suất đầu tư cao tốc Phủ Lý - Nam Định cao hơn Bộ Xây dựng công bố

23/05/2024 11:18 GMT+7
Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho biết, khi nâng cấp tuyến Quốc lộ 21B (đoạn từ Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) lên thành cao tốc CT.11 theo quy hoạch được duyệt, thì cần hoàn trả hệ thống đường song hành, đường gom 2 bên đảm bảo đi lại cho địa phương.

Sau khi nhận được ý kiến của Bộ GTVT đề nghị làm rõ suất đầu tư dự án cao tốc Phủ Lý - Nam Định, UBND tỉnh Nam Định đã có Công văn số 548/UBND-VP5 trả lời về về phương án đầu tư dự án này.

Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đề xuất dự án Xây dựng đường cao tốc Phủ Lý - Nam Định một lần nữa xác nhận sẽ triển khai công trình giao thông động lực này theo phương án đầu tư công.

Nguồn vốn thực hiện dự án được huy động từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu; nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, 2026 - 2030 và ngân sách tỉnh Nam Định.

Đã rõ lý do suất đầu tư cao tốc Phủ Lý - Nam Định cao hơn Bộ Xây dựng công bố- Ảnh 1.

Trạm thu phí Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ảnh: Thế Anh

Trong đó, vốn ngân sách địa phương trị giá khoảng 1.020 tỷ đồng dành để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư; ngân sách trung ương khoảng 5.380 tỷ đồng được dùng để xây dựng các hạng mục xây lắp thuộc dự án.

UBND tỉnh Nam Định sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025, 2026 - 2030 đảm bảo thực hiện dự án theo tiến độ được phê duyệt.

Đối với quy mô đề xuất tuyến đường cao tốc Phủ Lý - Nam Định gồm 4 làn xe cao tốc tiêu chuẩn, nhưng chiều rộng nền đường lên tới 48 m, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho biết, đây là chiều rộng nền đường đã gồm 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên, đường song hành, đường gom 2 bên.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, khi nâng cấp tuyến Quốc lộ 21B (đoạn từ Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) lên thành cao tốc CT.11 theo quy hoạch được duyệt, thì cần hoàn trả hệ thống đường song hành, đường gom 2 bên đảm bảo đi lại cho địa phương. Do đó, cần đầu tư hệ thống đường gom dọc 2 bên tuyến.

Hệ thống đường gom dọc 2 bên tuyến dự kiến được đầu tư hoàn thiện theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, với nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m. Như vậy, quy mô Dự án là phù hợp theo các quy hoạch được duyệt, tuân thủ theo các tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất tới Chính phủ về phương án đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Phủ Lý (Hà Nam) - TP.Nam Định với chiều dài 50km, quy mô 4 làn xe, đoạn Phủ Lý – TP. Nam Định, dài 25 km, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Hiện nay tuyến Phủ Lý – TP.Nam Định đang khai thác theo quy mô đường cấp II, 4 làn xe và UBND tỉnh Nam Định là cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng BOT, BT.

Bộ GTVT cho rằng, việc nghiên cứu nâng cấp đoạn tuyến lên quy mô cao tốc theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là cần thiết.

Theo Bộ GTVT, UBND tỉnh Nam Định dự kiến sử dụng ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện GPMB và do dự án đi qua địa bàn 2 tỉnh nên cần phải áp dụng cơ chế, chính sách do Quốc hội quyết định.

Tại khoản 5 Điều 7 Luật Đầu tư công, Dự án xây dựng đường cao tốc Phủ Lý - Nam Định xuất hiện tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Trong trường hợp này, theo khoản 1 Điều 19 Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ có thể giao cơ quan thực hiện nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Để sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Phủ Lý – Nam Định, Bộ GTVT cho biết, việc giao UBND tỉnh Nam Định lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư) là có cơ sở, tương tự như một số tuyến cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư...

Bên cạnh đó, do sơ bộ tổng mức đầu tư dự án do UBND tỉnh Nam Định đề xuất vào khoảng 9.400 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 375 tỷ đồng/km cao hơn nhiều so với suất đầu tư của tuyến đường cao tốc xây dựng mới được Bộ Xây dựng công bố.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị địa phương rà soát giải pháp thiết kế, chi phí xây dựng theo quy định hiện hành, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời rà soát tình hình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thời gian thu phí của dự án BOT (hết năm 2028) để xác định cụ thể thời điểm thực hiện.

Thế Anh
Cùng chuyên mục