Các yếu tố ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn dự án cao tốc Bắc - Nam

22/05/2024 10:45 GMT+7
Vụ Kế hoạch - Đầu tư vừa cho biết về công tác điều hòa kế hoạch vốn giữa các dự án là công cụ hiệu quả nhất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án cao tốc Bắc - Nam.

Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã 2 lần điều hòa kế hoạch vốn, bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện các dự án. Tiến độ đầu tư, giải ngân phần lớn các dự án hạ tầng giao thông phụ thuộc vào 4 yếu tố: Tiến độ mặt bằng; điều kiện cung cấp vật liệu; năng lực thực hiện của các chủ thể (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu); khả năng đáp ứng vốn, thời điểm giao vốn.

Trong năm 2024, những khó khăn liên quan đến năng lực các chủ thể và khả năng đáp ứng nguồn vốn không còn vướng mắc. Chỉ còn 2 yếu tố có thể ảnh hưởng là tiến độ công tác giải phóng mặt bằng và nguồn cung cấp vật liệu.

Các yếu tố ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn dự án cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 1.

Cần đảm bảo nguồn vật liệu để tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành. Ảnh: TA

Về mặt bằng, mặc dù các địa phương đã quyết liệt vào cuộc song ở nhiều nơi vẫn chậm hơn nhiều so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về vật liệu, riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn đến năm 2025 các dự án xây dựng cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu cát cần khoảng 54 triệu m3, tập trung trong các năm 2023 và 2024.

Tuy nhiên, hiện nay tại một số dự án trong vùng chưa xác định được đủ nguồn cát đắp nền, công suất khai thác tại các mỏ cát đã cấp chưa đáp ứng tiến độ thi công.

Bảo đảm tiến độ giải ngân, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, đơn vị thường xuyên tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân. Đây là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trừ lý do bất khả kháng.

Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ", lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Đầu tư nói.

Trước đó, tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 24 gửi bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Một trong những chỉ đạo nổi bật là chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định.

Xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, tại các cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đặc biệt lưu ý các chủ đầu tư/ban quản lý dự án về khối lượng giải ngân còn lại trong hai năm cuối cùng của giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 (khoảng 150.000 tỷ đồng).

Người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Riêng các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các dự án cao tốc trục ngang (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu), lãnh đạo Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết vướng mắc trong chuyển đổi rừng, mặt bằng, vật liệu, tập trung giải quyết tại một số vị trí đường găng…

Thế Anh
Cùng chuyên mục