Đại biểu Phạm Văn Hòa: Cần có ưu đãi đặc biệt cho các hợp tác xã nông nghiệp

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 25/05/2023 17:46 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, cần có những ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho các hợp tác xã nông nghiệp, do loại hình này khó tiếp cận được nguồn lực về vốn, về đất đai.
Bình luận 0

Tiếp tục kỳ họp thứ 5, chiều 25/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Liên quan đến quy định về tổ hợp tác, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, quy định rõ ràng, rành mạch, ngoài việc có chế độ, chính sách ưu tiên cho hợp tác xã vừa và nhỏ, cần có những ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho các hợp tác xã nông nghiệp, do loại hình này khó tiếp cận được nguồn lực về vốn, về đất đai. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tạo điều kiện tiếp cận đất và vốn cho hợp tác xã nông nghiệp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Cần có ưu đãi đặc biệt cho các hợp tác xã nông nghiệp - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội

Về tổ hợp tác, đại biểu đề nghị phải đảm bảo tổ hợp tác có tư cách pháp nhân để có thể ký kết hợp tác, ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các hoạt động thông thường để hoạt động, phát triển. Về liên đoàn hợp tác xã, đại biểu cho rằng không nên luật hóa trong dự án luật lần này, mà nên thực hiện thí điểm, nếu thành công thì sẽ đề xuất, sửa đổi bổ sung Luật Hợp tác xã để đưa vào luật.

Về Quỹ quản lý hợp tác xã, đại biểu cho rằng Quỹ trung ương nên giao cho Liên minh Hợp tác xã trung ương, Quỹ địa phương nên giao cho Liên minh Hợp tác xã của địa phương quản lý. Về vốn tín dụng nội bộ, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định rạch ròi, cụ thể rằng vốn tín dụng nội bộ chỉ hoạt động cho nội bộ, có thanh tra, kiểm tra thường xuyên, tránh các tình trạng lợi dụng, biến tướng.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị cần bổ sung quy định nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để hoạt động trái pháp luật.

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Cần có ưu đãi đặc biệt cho các hợp tác xã nông nghiệp - Ảnh 3.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Quốc hội

Ngoài ra, về giải thích từ ngữ, khoản 3, Điều 4 quy định: Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi các thông tin về đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đại biểu đề nghị đổi tên khoản thành "Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã" để phù hợp với phần giải thích phía sau.

Bên cạnh đó, khoản 9, 10 Điều 4 quy định: Mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên là tỷ lệ giá trị sản phẩm, dịch vụ mà từng thành viên sử dụng trên tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cung ứng cho tất cả thành viên. Mức độ góp sức lao động của thành viên được đo bằng tỷ lệ tiền lương, tiền công hoặc thù lao của từng thành viên trên tổng tiền lương, tiền công và thù lao của tất cả thành viên.

"Không thể so sánh sánh mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên hoặc mức độ đóng góp sức lao động của thành viên trong một năm với các thành viên khác trong 3 năm, 10 năm được. Cần quy định rõ cách tính chỉ số trên trong 1 đơn vị thời gian cụ thể để đảm bảo hợp lý, chặt chẽ", Đại biểu Tú Anh đề nghị.

Tại buổi thảo luận, đại biểu cũng nêu kiến nghị rà soát bổ sung các quy định về trường hợp giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bởi thực tế, hiện nay có những trường hợp hợp tác xã đã không hoạt động từ lâu nhưng vướng một số quy định không thể giải thể.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem