Đại biểu Quốc hội bắt bệnh "thổi giá" mỏ vật liệu của các chủ mỏ
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội sáng 5/11, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng còn có những hạn chế trong đầu tư công, đặc biệt giải ngân còn chậm. Đại biểu Hạ ví von những tồn tại này như "những cơn gió ngược".
"Đúng ra đầu tư công càng về giai đoạn cuối, kết thúc kế hoạch đầu tư công lượng giải ngân càng nhanh. Nhưng chúng ta lại có chiều hướng chững xuống".
Đại biểu Hạ cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Trong đó, giá vật liệu là một trong những nguyên nhân đã được "bắt bệnh". Theo đó, ngoài những dự án lớn, trọng điểm quốc gia, đối với xây dựng cơ sở hạ tầng khác trong cả nước hiện nay bị tắc về nguyên vật liệu.
Khó khăn từ nguồn nguyên vật liệu khiến dự án đội vốn, làm cho nhà thầu không triển khai được. Ví dụ như nguyên liệu cát, đất, tại Quảng Nam, một mỏ cát đấu giá khởi điểm 1,8 tỷ đồng nhưng chỉ qua một ngày đấu giá, giá trị mỏ được đẩy lên lên đến 375 tỷ đồng, có nghĩa gấp hơn 200 lần.
"Giá đất bình thường 55 nghìn đồng/m3, hiện nay lên đến hơn 200 nghìn/m3. Rồi giá cát quy định của nhà nước 120 nghìn đồng/m3, nhưng nếu theo đấu giá lên đến 2 triệu 3 nghìn đồng/m3 thì sao các nhà thầu có thể làm được? Làm ách tắc hết cả?, Đại biểu Hạ phân tích.
Đại biểu chỉ ra kẽ hở, Luật Đấu thầu chỉ quy định nhà tham gia đấu thầu chỉ quy định đặt cọc 20% giá trị của gói thầu. Trong khi Nghị định 126 lại quy định thời gian chậm nhất để hoàn thành 100% nghĩa vụ của người trúng thầu là 90 ngày, quá dài nên mới có việc lợi dụng đấu giá lên rồi bỏ cọc.
"Để làm gì? Để trục lợi, tăng giá phần mỏ mình hiện đang khai thác. Ngay cả đấu giá đất cũng có bài học từ bất cập trong Luật Đấu thầu, cũng như quy định của chúng ta về đặt cọc và đấu thầu. Nên cần phải sửa".
Một bất cập khác là vấn đề vật liệu tại chỗ, Đại biểu Hạ ví dụ như tại một huyện miền núi, đương nhiên là cát đất không thiếu nhưng không được cấp phép, buộc nhà thầu phải sang địa phương khác để mua vật liệu, dẫn đến đội giá. Đó là bất cập cần phải gỡ ngay, gỡ sớm mới hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2025.
Ngoài vấn đề thực tiễn tồn tại, Đại biểu Hạ cho rằng một trong những nguyên nhân sâu xa khác do công tác chuẩn bị cho chất lượng đầu tư công trung hạn chưa tốt, nên công tác chuẩn bị dự án còn kém. Dẫn đến làm chậm tiến độ, gây rất nhiều khó khăn.
Do đó, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025, ngoài thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025, Chính phủ còn cần chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030. Đại biểu đoàn Quảng Nam kiến nghị với Chính phủ cần sớm triển khai công tác chuẩn bị cho công tác đầu tư công cho giai đoạn tới.
Trả lời băn khoăn của Đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Ví dụ như tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, vận chuyển.. để tiết kiệm một phần trong đầu tư công. Những yêu cầu này sẽ được đưa vào hồ sơ tổ chức đấu thầu.
Về vướng mắc thiếu đất san lấp như Đại biểu đã nêu, Bộ Trưởng Hồ Đức Phớc cho biết do quy định đất cũng là khoáng sản, phải thực hiện theo quy trình của khoáng sản, có thể phải quy định lại cho phù hợp. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ theo khái niệm cũ, xem đất là khoáng sản thì chỉ cấp mỏ cho những nhà thầu thi công các tuyến đường để khai thác phục vụ dự án, cấm bán ra ngoài. Khi dự án hoàn thành cũng đóng cửa mỏ. Chính phủ sẽ trình với cấp có thẩm quyền để quy định việc này.