Đại biểu Quốc hội: "Không cần nhập khẩu lợn sống"
Trước việc giá heo neo cao suốt thời gian dài không xuống, mới đây Bộ NN-PTNT đã đồng ý với đề xuất cho phép doanh nghiệp có đủ điều kiện có thể nhập heo sống từ các nước về nhằm hạ giá thành trong nước. Từ 12/6, doanh nghiệp chính thức được nhập heo sống từ Thái Lan.
Lý giải về quyết định này, Bộ NN-PTNT cho rằng trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường trên thế giới, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc bình ổn giá thịt heo và xét công văn của Cục Thú y về việc nhập khẩu heo sống để giết mổ làm thực phẩm.
Hiện giá heo hơi tại Thái Lan dao động từ 55.000-60.000 đồng/kg - thấp hơn nhiều so với mức phổ biến 95.000 đồng/kg tại Việt Nam hiện nay, nên lượng heo hơi nhập khẩu từ Thái Lan sang Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy vậy, chủ yếu dưới hình thức nhập lậu, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh.
Tại phiên thảo luận Quốc hội về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước sáng 13/6, đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết các nhóm hàng hóa có chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu là lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung giảm xuống và đẩy giá thịt lợn lên cao, dao động 90.000-100.000 đồng/kg.
Hơn nữa hiện nay, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn còn ít, trong khi có nhiều hộ gia đình chăn nuôi lợn. Các hộ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, chưa có gói kích cầu nào hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn giúp tập trung tái đàn.
Theo đó, Bà Yến cho rằng cần có chính sách kiểm soát giá thịt lợn, quan tâm hỗ trợ vốn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi và giải pháp giúp doanh nghiệp, người dân tái đàn lợn.
Bên cạnh đó, cần kích cung trong nước để đảm bảo nguồn cung, không cần nhập của các nước để tự chủ được nền kinh tế.
Ngoài ra, có chính sách kiểm soát giá thịt lợn, quan tâm hỗ trợ vốn và phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả.
Bền lề hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề này. Một số đại biểu cho rằng, việc nhập lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam có tác động tức thì, góp phần giảm giá thịt lợn trong nước nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) để nguồn cung đảm bảo, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và sản xuất chế biến thực phẩm, cần tham gia sâu hơn để góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường.
Trong khi đó, theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) việc giá thịt lợn liên tục tăng cao là do doanh nghiệp chăn nuôi lớn khống chế giá.
ĐB Hòa phân tích, thấy được lợi nhuận cao, các công ty chăn nuôi chỉ tính toán tái đàn cho mình mà không chia sẻ với người nông dân. Theo đó giá lợn không thể xuống là do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã khống chế giá.
"Doanh nghiệp không cung cấp con giống ra thị trường để bán cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, hoặc có bán đi thì với giá rất cao. Người chăn nuôi không có khả năng mua giống lợn tái đàn, thậm chí họ lo ngại với giá lợn giống cao như vậy sau quá trình chăn nuôi bán ra sẽ rất khó có lãi", ĐB Phạm Văn Hòa nói.