Đại hội XIII: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu giải pháp gì để tháo gỡ những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục?

Lương Kết (lược ghi) Thứ tư, ngày 27/01/2021 13:06 PM (GMT+7)
Tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế, bất cập, thời gian tới, Bộ GD- ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cơ bản.
Bình luận 0

Nhiều kết quả nổi bật của ngành giáo dục

Ngày 27/1, trình bày tham luận tại Đại hội XIII về Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) giai đoạn 2021-2025, ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã điểm qua những thành tích, kết quả tích cực của ngành giáo dục.

Đại hội XIII: Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu giải pháp tháo gỡ những nút thắt, rào cản để đổi mới giáo dục  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tham luận tại Đại hội XIII (ảnh daihoi13.dangcongsan.vn).

Kết quả nổi bật thể hiện ở những nội dung như: Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cơ bản được hoàn thiện. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Ban hành và tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Tự chủ đại học được đẩy mạnh, chất lượng đào tạo đại học có nhiều chuyển biến tích cực...

Bên cạnh những kết quả tích cực, người đứng đầu ngành giáo dục cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập như: Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; việc kiện toàn Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học còn chậm, hoạt động chưa thực chất, chưa phát huy tốt vai trò của Hội đồng trường.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm còn chậm...

5 nhóm giải pháp phát triển giáo dục

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên, thời gian tới, Bộ GD -ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường - giải pháp đột phá. "Trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục chọn đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng là giải pháp đột phá, để thông qua đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp hơn. Giải pháp này đã cơ bản hoàn thành trong giai đoạn vừa qua. Giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục chọn đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là giải pháp đột phá, để tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới hiệu quả hơn, khắc phục căn bản các hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội. Giải pháp này không cần nhiều nguồn lực nhưng tháo gỡ được những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục hiện nay", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.

Nhóm giải pháp thứ hai là phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. Thời gian qua, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được kiện toàn, nâng cao chất lượng một bước. Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ còn bấp cập, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, cần tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng trong thời gian tới.

Nhóm giải pháp thứ ba, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp. "Thời gian qua, các địa phương đã tiến hành rà soát, quy hoạch một bước mạng lưới trường, lớp học. Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện sáp nhập cơ học các trường, điểm trường lẻ có ít giáo viên, học sinh. Việc quy hoạch, sắp xếp chưa quan tâm đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và dự báo nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Hai nhóm giải pháp nữa được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu ra là nhóm giải pháp về đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục; tăng cường công tác truyền thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem