Đạm Hà Bắc: Thay TGĐ, lỗ cao gấp… 6,6 lần, vốn âm 880 tỷ đồng
Thay "tướng", lỗ cao gấp 6,6 lần
Trong tháng 10/2019, ông Đỗ Doãn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) vì những sai phạm trong quá trình triển khai Dự án mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc. Tại thời điểm đó, Đạm Hà Bắc đã "nổi danh" vì thua lỗ thảm. Tại thời điểm 30/6/2019, tổng lỗ lũy kế của công ty lên đến 2.876 tỷ đồng, vượt xa vốn chủ sở hữu.
Ông Nguyễn Đức Ninh trên cương vị Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Đạm Hà Bắc được giao phụ trách Ban tổng giám đốc kể từ ngày miễn nhiệm ông Đỗ Doãn Hùng.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 cho thấy, dưới thời ông Nguyễn Đức Ninh, khoản thua lỗ quý 1/2020 của Đạm Hà Bắc cao gấp 6,6 lần khoản thua lỗ trong quý 1/2019 (dưới thời ông Đỗ Doãn Hùng).
Cụ thể, trong kỳ, Đạm Hà Bắc thua lỗ tới 360,4 tỷ đồng, tăng 305,9 tỷ đồng, tương đương 561% so với quý 1/2019. Hay nói cách khác, khoản thua lỗ này cao gấp 6,6 lần cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng lỗ lũy kế lên đến 3.649 tỷ đồng và âm 880 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Đạm Hà Bắc thua lỗ đậm dù doanh thu tăng đáng kể, từ 744,8 tỷ đồng lên 818,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vốn hàng bán tăng quá mạnh, tăng 296 tỷ đồng, tương đương 48,8% lên 904 tỷ đồng. Kết quả là hoạt động bán hàng đã khiến Đạm Hà Bắc lỗ 85,3 tỷ đồng dù kỳ trước lãi 137,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, Đạm Hà Bắc không thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" như nhiều công ty khác, tất cả các chi phí đều tăng đáng kể. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 17,1 tỷ đồng lên 27,8 tỷ đồng và từ 21,7 tỷ đồng lên 29,9 tỷ đồng.
Nắng gánh nhất là chi phí tài chính. Trong kỳ, chỉ tiêu này tăng 37,2 tỷ đồng, tương đương 20% lên 223 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay lên đến 207,6 tỷ đồng, chiếm 93,1% tổng chi phí tài chính.
Tại thời điểm 31/3/2020, tổng tài sản của Đạm Hà Bắc chỉ còn 9.046 tỷ đồng, giảm 298 tỷ đồng, tương đương 3,2% so với cuối năm 2019.
Gánh nặng nợ nần
Như đã nói ở trên, chi phí nợ nần là gánh nặng của Đạm Hà Bắc. Tại thời điểm cuối quý, nợ phải trả của công ty này lên đến 9.927 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 9.859 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái và cao gấp 3,6 lần vốn góp chủ sở hữu.
Trong đó, tổng nợ vay là 7.414 tỷ đồng, chiếm 74,7% nợ phải trả. Khoản nợ này luôn là một trong những nguyên nhân chính khiến Đạm Hà Bắc thua lỗ nặng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của công ty không có thuyết minh nên không rõ hiện tại ai là chủ nợ lớn nhất của Đạm Hà Bắc. Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2019 đã thể hiện rõ điều đó.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2019 của Đạm Hà Bắc, tại thời điểm 31/12/2019, về vay ngắn hạn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – CN Bắc Giang là chủ nợ lớn nhất tại Đạm Hà Bắc khi cho công ty vay tới 3.771 tỷ đồng.
Đứng sau là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – CN Bắc Giang và các ngân hàng đồng tài trợ (2.705 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương – CN Bắc Giang (598 tỷ đồng),… Các khoản vay có lãi suất từ 6,5% đến 7%/năm.
Về dài hạn, VDB - CN Bắc Giang tiếp tục là chủ nợ lớn nhất với dư nợ tại thời điểm 31/12/2019 là 4.125 tỷ đồng. Đứng sau là VietinBank – CN Bắc Giang và các ngân hàng đồng tài trợ (2.705 tỷ đồng). Có thể thấy, VDB và VietinBank là những chủ nợ lớn nhất tại Đạm Hà Bắc.
Trong báo cáo của mình, công ty xác nhận tất cả các khoản nợ đều có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, với việc dòng tiền yếu và thua lỗ liên tục như hiện nay, trả nợ không phải là bài toán dễ với công ty.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DHB của công ty bất động suốt chuỗi ngày dài. Hiện tại, thị giá của DHB chỉ là 7.200 đồng/CP, thấp hơn 28% so với mệnh giá.