Hòa Phát được chấp thuận đầu tư khu công nghiệp gần 3.400 tỷ đồng tại Hải Phòng
Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Diệu với quy mô hơn 245 ha tại huyện Gia Lộc, Hải Dương cũ, nay là xã Gia Phúc, thành phố Hải Phòng. Dự án có tổng vốn gần 3.400 tỷ đồng và dự kiến triển khai trong vòng 30 tháng.
Theo quyết định trên, dự án do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng KCN Hoàng Diệu, đơn vị thành viên của Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện tại các xã Hoàng Diệu, Gia Phúc, Hồng Hưng và thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cũ. Từ ngày 01/7/2025, dự án nằm trọn vẹn trên địa bàn xã Gia Phúc, TP. Hải Phòng.

Khu công nghiệp Hoàng Diệu có quy mô diện tích khoảng 245 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.400 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, bao gồm cho thuê đất, nhà xưởng, kho bãi và văn phòng. Trong đó, KCN cũng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, dự án sản xuất công nghệ cao.
Một trong những lợi thế nổi bật của KCN Hoàng Diệu là vị trí địa lý chiến lược với khả năng kết nối giao thương đa hướng. Dự án nằm tiếp giáp cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, gần các tuyến quốc lộ huyết mạch như quốc lộ 5A, 37, 38. Từ đây, hàng hóa có thể dễ dàng luân chuyển đến Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, cũng như kết nối nhanh chóng tới cảng biển Hải Phòng, sân bay Cát Bi và sân bay quốc tế Nội Bài.
Theo đại diện Tập đoàn, vị trí giao thông thuận tiện giúp KCN Hoàng Diệu tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp thuê hạ tầng tại đây. Cùng với đó, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cam kết áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao.
Với hạ tầng hoàn chỉnh, KCN Hoàng Diệu được kỳ vọng trở thành một trong những điểm đến công nghiệp tiềm năng hàng đầu tại khu vực phía Bắc.
Khu công nghiệp Hoàng Diệu là dự án mới nhất của Hòa Phát trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp. Tính đến hết tháng 6/2025, tổng quỹ đất khu công nghiệp (KCN) của Tập đoàn hiện đạt 1.733 ha, tập trung tại các tỉnh trọng điểm phía Bắc là Hưng Yên, Ninh Bình và Bắc Ninh và TP. Hải Phòng.
Các KCN hiện hữu của Tập đoàn Hòa Phát gồm KCN Phố Nối A, KCN Yên Mỹ II (Hưng Yên), KCN Hòa Mạc (Ninh Bình) đều có vị trí địa lý thuận lợi, là điểm đến hấp dẫn của hàng trăm doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, trong đó có các tập đoàn lớn đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Tỷ lệ lấp đầy của các Khu công nghiệp này hiện đạt khoảng 95% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Những diễn biến tích cực từ hoạt động kinh doanh sản xuất của Hòa Phát khiến HPG luôn là một trong những cổ phiếu "hút dòng tiền" trên thị trường chứng khoán.

Đóng cửa phiên hôm qua (9/7), thị giá HPG tăng 4,7% lên mốc 24.700 đồng, với khối lượng khớp lệnh đạt gần 77,5 triệu đơn vị – gấp đôi phiên trước và gần gấp ba mức trung bình một quý gần nhất. Trong đó, hai vùng giá được giao dịch nhiều nhất là 24.650–24.700 đồng, chiếm tổng cộng hơn 27 triệu cổ phiếu.
Mức giá này đưa vốn hóa Hòa Phát đạt gần 158.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,3 tỷ USD (tạm tính theo tỷ giá 1 USD = 25.000 đồng). Cổ phiếu hiện đang giao dịch ở vùng giá cao nhất trong vòng một năm.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngành thép giao dịch khởi sắc theo đà tăng của HPG. VGS tăng trần (10%), PAS tăng 7%, TVN tăng 2,7%, HSG, GDA và NKG cùng tăng 2%.
Đà tăng của nhóm thép diễn ra cùng này Bộ Công Thương phát đi thông tin áp thuế chính thức đối với thép cán nóng (HRC) của Trung Quốc vào Việt Nam và tuyên bố kết thúc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm này có xuất xứ từ Ấn Độ.