Dán mình vào tranh nghệ thuật để biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Anh

Phương Việt Thứ hai, ngày 11/07/2022 15:00 PM (GMT+7)
Các nhà hoạt động khí hậu đã dán mình vào tranh nghệ thuật để biểu tình.
Bình luận 0

Một buổi chiều như thông lệ, phòng 34 của Triển lãm Quốc gia ở Luân Đôn đã chật kín khách đến thưởng thức các kiệt tác nghệ thuật Anh treo kín trên bốn bức tường lớn.  

Đột nhiên, hai du khách phá vỡ không gian đó một cách "sỗ sàng". Eben Lazarus, 22 tuổi, một sinh viên âm nhạc, lấy ba tấm áp phích từ một cái ống, sau đó, với sự giúp đỡ của Hannah Hunt, 23 tuổi, một sinh viên tâm lý học, anh dán chúng lên bức tranh "The Hay Wain" của John Constable, một bức tranh nổi tiếng thế kỷ 19.

Chưa hết, cặp đôi cởi áo khoác để lộ áo phông có khẩu hiệu "Just Stop Oil", dán mình vào khung của bức tranh và hét lên về sự cần kíp trong việc hành động chống biến đổi khí hậu. 

"Nghệ thuật là quan trọng," Lazarus nói. Giọng nói của anh ta vang lên xung quanh phòng trưng bày. Nhưng điều đó "không quan trọng hơn cuộc sống của anh chị em tôi và các thế hệ tương lai".

Dán mình vào tranh nghệ thuật để biểu tình tại Anh - Ảnh 1.

Người biểu tình tại Triển lãm Quốc gia Anh. (Ảnh: NYT).

Gần đó, một nhóm học đang thảo luận về một bức tranh khác. Clare MacDonnell - giáo viên, dường như không hề nao núng. "Ôi trời, tôi nghĩ đó là một cuộc phản đối khí hậu. Thật thú vị!", cô thốt lên.

Một xu hướng đã xuất hiện tại các bảo tàng ở Anh trong tuần qua đó là các nhà hoạt động khí hậu dán mình vào các tác phẩm nghệ thuật.

Cuối tuần vừa qua, hai người ủng hộ Just Stop Oil, một nhóm đang tìm cách ngăn Chính phủ Anh cấp phép cho các dự án dầu khí mới, dán người vào phong cảnh thế kỷ 19 trong Bảo tàng và Phòng trưng bày Nghệ thuật Kelvingrove ở Glasgow.

Kể từ đó, các thành viên trong nhóm cũng tự bám vào bức "Peach Trees in Blossom" của Vincent Van Gogh tại Phòng trưng bày Courtauld ở London và một tác phẩm khác của Turner tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Manchester ở miền bắc nước Anh.

Nhóm này đã tổ chức biểu tình năm lần tại bảo tàng, với các nhà hoạt động dán mình vào bản sao thế kỷ 16 của tác phẩm "Bữa tối cuối cùng" của Leonardo da Vinci tại Học viện Hoàng gia, một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn của London. Họ phun sơn "No new oil" (Không có dầu mới – tạm dịch) bên dưới tác phẩm.

Dán mình vào tranh nghệ thuật để biểu tình tại Anh - Ảnh 2.

Những người biểu tình về chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: NYT).

Trong 4 năm qua, những người biểu tình chống biến đổi khí hậu đã trở thành một hiện tượng thường ngày ở Anh, sau sự xuất hiện của Extinction Rebellion, một nhóm hoạt động coi cuộc biểu tình bất bạo động hàng loạt là cách hiệu quả nhất để thay đổi xã hội. Một số thành viên của tổ chức rất vui khi bị bắt, bởi họ sử dụng phiên tòa của mình để nói về các vấn đề khí hậu.

Vào năm 2019, hàng trăm người ủng hộ nó đã liên tục chiếm giữ các con đường và cây cầu xung quanh Quốc hội của Anh, khiến khu vực đó của Thủ đô bị đóng cửa.

Năm ngoái, Insulate Britain, một nhóm có liên quan đã bắt đầu chiếm giữ các xa lộ, trong khi Just Stop Oil năm nay đã chặn các kho nhiên liệu và cuối tuần qua đã chạy bộ trên đường đua tại British Grand Prix, một sự kiện thể thao xe máy lớn.

Các sự kiện trong tuần qua cho thấy, những người biểu tình giờ đây coi nghệ thuật là một chỗ dựa hữu ích, mặc dù đây không phải là lần đầu tiên các bảo tàng ở đây phải đối mặt với các cuộc biểu tình chính trị. 

Năm 1914, Mary Richardson bước vào Triển lãm Quốc gia với một chiếc rìu sắt giấu trong khăn trùm đầu, sau đó chém một bức tranh của Velázquez để phản đối việc giam cầm Emmeline Pankhurst.

Dán mình vào tranh nghệ thuật để biểu tình tại Anh

Trong những năm gần đây, Bảo tàng Anh, Bảo tàng Khoa học và nhóm bảo tàng nghệ thuật Tate đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối việc họ chấp nhận tài trợ từ các công ty dầu mỏ. Nhưng các nhà hoạt động tự dán mình vào các tác phẩm nghệ thuật là một chiến thuật mới.

Sarah Pickard, một giảng viên tại Đại học Sorbonne Nouvelle ở Pháp, người đã nghiên cứu về Extinction Rebellion và các nhánh liên quan cho biết, các bảo tàng không phải là mục tiêu chính để quảng bá thông tin của họ. Toàn bộ chiến lược là thực hiện hành động thu hút sự chú ý của giới truyền thông, "sau đó chuyển sang các hành động tiếp theo để tạo ra sự nổi bật", cô nói.

Dán mình vào tranh nghệ thuật để biểu tình tại Anh - Ảnh 3.

Các bức tranh nghệ thuật đắt giá không bị hư hại. (Ảnh: NYT).

Trong các sự kiện của tuần trước, Just Stop Oil cho biết một số bức tranh được chọn vì những lý do cụ thể, chẳng hạn như tầm quan trọng của chúng hoặc nêu bật các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Pickard cho biết, những người phản đối có thể nói  họ có lý do để nhắm mục tiêu vào các bức tranh cụ thể, nhưng cô nói lựa chọn của họ phần lớn là "không liên quan", bởi vì "mục đích là để tạo sự chú ý", từ đó tạo ra cuộc thảo luận về những gì họ coi là một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Pickard nói thêm rằng, các sự kiện ở Anh có khả năng bị sao chép ở nơi khác vì những người biểu tình ở Pháp đã sao chép các hành động của Anh trước đây.

Tại bảo tàng Louvre ở Paris vào tháng 5, một người đàn ông đánh kem lên tấm kính bảo vệ Mona Lisa sau đó hét lên rằng anh ta đang hành động chống lại "những người đang phá hủy hành tinh".

Mel Carrington, phát ngôn viên của Just Stop Oil cho biết, việc nhắm mục tiêu vào các bảo tàng là một cách "gây áp lực tâm lý lên Chính phủ" công khai. Bà nói, cuộc biểu tình bên cạnh tranh của Van Gogh đã nhận được tin tức trên toàn thế giới, trong khi các hành động trước đó tại các bến dầu thì không. Carrington cho biết, những người biểu tình không bận tâm nếu mọi người không thích hành động của họ, họ không có ý định tìm bạn bè.

Một phát ngôn viên của Triển lãm Quốc gia cho biết, không có bức tranh nào bị hư hại, tuy nhiên bức tranh phong cảnh Constable "bị hư hại nhẹ đối với phần khung và sơn bóng trên bề mặt bức tranh".

Simon Gillespie, một nhà phục chế mỹ thuật cho biết, dung môi có thể làm tan keo mà những người biểu tình đã sử dụng trên khung. "Ơn trời là họ đã không chọn keo dính vào màng sơn dầu, bởi vì việc hoàn tác sẽ rất khó khăn", anh nói thêm.

Ông nói, tạo áp lực lên các bức tranh để dán áp phích cũng có thể gây ra thiệt hại, nhưng những người biểu tình dường như đã làm rất cẩn thận nhằm tránh hư hại. "Họ rất tôn trọng các tác phẩm nghệ thuật", anh nói.

Dán mình vào tranh nghệ thuật để biểu tình tại Anh - Ảnh 4.

Những người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó. (Ảnh: NYT).

Khi Extinction Rebellion xuất hiện vào năm 2018, nó đã giành được sự đồng cảm rộng rãi ở Anh, nơi mối quan tâm về môi trường từ lâu đã được đưa ra trong chương trình nghị sự của công chúng. 

Tuy nhiên, các chiến thuật gây rối tạo sự chú ý của nhóm kể từ đó đã trở thành một sự khó chịu đối với nhiều người. Trong các cuộc khảo sát gần đây của tổ chức bỏ phiếu YouGov, khoảng 15% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ nhóm, với 45% phản đối.

Nadine Dorries, Bộ trưởng Văn hóa của Anh đã viết trong một tweet rằng, những người phản đối bức tranh là "những người tìm kiếm sự chú ý", những người "không có ý giúp đỡ bất cứ điều gì khác ngoài cái tôi ích kỷ của riêng họ".

Hai người phản đối Triển lãm Quốc gia đã bị bắt. Cảnh sát cho biết họ đã được thả có điều kiện trong khi chờ các cuộc điều tra thêm.

Tại bảo tàng, sau cuộc biểu tình, du khách cho biết họ không ủng hộ việc nhắm mục tiêu các bức tranh. Luciana Pezzotti, 65 tuổi, một giáo viên nghỉ hưu đến từ Ý, cho biết bà quan tâm đến biến đổi khí hậu và tán thành phản đối nhưng "tại sao lại phải gắn nghệ thuật với điều đó?".

Tuy nhiên, trong số những đám đông đến thăm, có ít nhất một người trẻ tuổi bày tỏ sự ủng hộ. Emma Baconnet, một sinh viên nghệ thuật đến từ Lyon, Pháp cho biết điều "rất quan trọng" đối với những người phản đối khí hậu là phải khiêu khích để thông điệp của họ được lắng nghe. "Đôi khi nó hơi quá đáng," cô nói. "Nhưng nếu chúng ta chỉ nói, Chính phủ sẽ không lắng nghe".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem