Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến "10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Những bài học lớn (Bài 3)

Lương Kết Thứ tư, ngày 29/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Ngày mai (30/6), Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Trước thềm hội nghị, để có cái nhìn rộng rãi, đa chiều, 9 giờ 30 phút hôm nay (29/6), Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc tọa đàm xung quanh vấn đề đang rất được dư luận quan tâm này.
Bình luận 0

Buổi tọa đàm có chủ đề  "10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Những bài học lớn".

Buổi tọa đàm có sự tham gia của 2 vị khách mời là ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TSKH Phan Xuân Sơn, chuyên gia Chính trị học, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chương trình tọa đàm sẽ được ghi hình và livestream (phát trực tiếp) trên Kênh Youtube Báo Dân Việt cũng như tường thuật trên báo điện tử Dân Việt (danviet.vn). Trong chương trình giao lưu trực tiếp, các vị khách mời sẽ giải đáp các câu hỏi do bạn đọc gửi đến. Ngay từ bây giờ, mời khán giả gửi câu hỏi tham gia chương trình theo địa chỉ: truyenhinhdanviet@gmail.com và baodanviet@gmail.com.

Dân Việt tổ chức tọa đàm Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua và những bài học lớn - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo. Ảnh TTXVN

Dân Việt tổ chức tọa đàm Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua và những bài học lớn - Ảnh 2.

Hai vị khách mời là ông Nguyễn Đức Hà (trái) và GS -TSKH Phan Xuân Sơn tham gia chương trình tọa đàm của Báo Dân Việt. Ảnh D.V

10 năm hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật

Theo Ban Nội chính Trung ương, nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Trong 10 năm qua, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý gồm: 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).

Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Đặc biệt thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Ngày 28/6, phát biểu tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết: Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chủ trì có 5 lãnh đạo chủ chốt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Vẫn theo ông Học, tại hội nghị sẽ có thông điệp mới trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gửi đến toàn Đảng, toàn dân. Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tốt nhưng bộ máy có nơi, có lúc triển khai thực hiện nhiệm vụ có tâm lý e ngại, trùng xuống. Có nhận định cho rằng nếu nắm đúng luật pháp, thực hiện đúng luật pháp, không có động cơ lợi ích cá nhân thì không có gì phải e ngại. Thường trực Ban Bí thư cũng đánh giá việc ngại né tránh, đùn đẩy cũng là một biểu hiện suy thoái…

Ban Chỉ đạo bổ sung thêm chức năng phòng, chống "tiêu cực"

Qua 10 năm, dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả. 

Ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và công tác phòng, chống tiêu cực.

Trao đổi với Dân Việt, PGS-TS Lê Văn Cường -Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: "Việc bổ sung chức năng của Ban Chỉ đạo, trong đó tên gọi được thêm cụm từ "tiêu cực" theo tôi là chỉ đạo rất kịp thời sự của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Lâu nay chúng ta vẫn nói phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vấn đề này đôi khi dẫn đến hệ quả là chúng ta chống việc mang tính chất xảy ra rồi, hậu quả gây ra rồi. Khi chúng ta xử lý vừa mất cán bộ, mất tài sản và mất uy tín của Đảng trước nhân dân.

Bây giờ tăng cường phòng, chống tham nhũng thì phải phòng từ xa, từ đầu, nghĩa là phải phòng cả những biểu hiện tiêu cực. Biểu hiện tiêu cực ở đây có thể chỉ là hiện tượng thôi nhưng chúng ta cần phải kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh ngay, như vậy mới có thể phòng ngừa tốt.

"Việc Bộ Chính trị bổ sung thêm nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo chính là tiếp nối quan điểm chỉ đạo trong Đại hội XIII của Đảng; đó là kết hợp giữa xây và chống, trong đó xây là chính, cũng giống như việc ngăn chặn từ xa, từ sớm, chủ động, tích cực để phát hiện, không để các vụ việc sai phạm xảy ra rồi mới khắc phục hậu quả.

Cá nhân tôi cho rằng, việc bổ sung chức năng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo là quyết tâm chính trị rất lớn, rất đúng đắn của Đảng, từ đó sẽ tạo ra sự đồng bộ trong việc rèn luyện đội ngũ cán bộ. Sự suy thoái về đạo đức của cán bộ mới dẫn đến quan liêu, vòi vĩnh, sách nhiễu… gây ra những hệ quả rất xấu", _PGS-TS Lê Văn Cường nói.

Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến "10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Những bài học lớn" (Bài 3) - Ảnh 4.

TS Đinh Văn Minh- đồ họa Việt Anh

Còn TS Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ khi trao đổi với Dân Việt cho rằng, biểu hiện nguy hiểm nhất của tiêu cực chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, từ đó dẫn đến tham nhũng.

Tiêu cực và tham nhũng có gắn bó mật thiết với nhau nên muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải chống từ gốc, tức là chống những tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chống tiêu cực tốt là ngăn ngừa tham nhũng trước một bước như vậy mới có thể trị "cả gốc lẫn ngọn" tình trạng tham nhũng.

Có thể nói tiêu cực là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng nên phòng chống tiêu cực cũng chính là ngăn chặn từ xa mầm mống của tham nhũng.

"Việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo là hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng, đó là chỉnh đốn Đảng từ khâu chính trị, đạo đức, tư tưởng và hành động; như thế công tác lãnh đạo mới có chiều sâu và thực sự có tính toàn diện", TS Đinh Văn Minh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem