Đang ở diện cảnh báo, cổ phiếu PTL liên tiếp 5 phiên "tím lịm", lãnh đạo Victory Capital nói gì?

10/08/2022 17:42 GMT+7
Liên tiếp 5 phiên giao dịch từ 3/8 đến ngày 9/8, cổ phiếu của CTCP Victory Capital (PTL) đã đóng cửa trong sắc tím.

Công ty CP Victory Capital (HoSE: PTL) vừa có công văn giải trình việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp sau khi nhận được yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Công ty cho hay sau thời gian giảm mạnh do một số thông tin trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTL tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của các nhà đầu tư, dẫn đến nhu cầu thực tế trên thị trường chứng khoán tăng cao.

“Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường”, PTL khẳng định.

Trước đó, cổ phiếu PTL bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 12/7 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 âm tới 442,1 tỷ đồng, thuộc trường hợp cổ phiếu bị cảnh báo.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, cổ phiếu PTL tăng 2,33% lên mức 6.580 đồng/cp.

Đang ở diện cảnh báo, cổ phiếu PTL liên tiếp 5 phiên "tím lịm", lãnh đạo Victory Capital nói gì? - Ảnh 1.

Công ty CP Victory Capital (HoSE: PTL) vừa có công văn giải trình việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp sau khi nhận được yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Ngày 1/8, Victory Capital thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 với khối lượng 100 triệu cổ phiếu, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu phát hành thành vốn điều lệ sẽ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Thời gian triển khai dự kiến trong quý III và quý IV/2022. Thêm nữa, số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 700 tỷ đồng góp vốn vào các công ty con; 250 tỷ đồng mở rộng quỹ đất; và 50 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Được biết, danh sách nhà đầu tư tham gia đợt chào bán gồm 2 tổ chức và 4 cá nhân. Trong đó, CTCP Grand House mua 30 triệu cổ phiếu, chiếm 15% vốn điều lệ; nhà đầu tư Trần Thị Hường đăng ký mua 23,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 12,38% vốn điều lệ; nhà đầu tư Lê Thế Tình đăng ký mua 22,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 11,25% vốn điều lệ; CTCP KoKo Capital đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 10% vốn điều lệ …

Kết quả kinh doanh của PTL chưa có dấu hiệu tươi sáng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, Công ty ghi lỗ ròng thêm 2,3 tỷ đồng. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Victory Capital ghi nhận doanh thu đạt 34,06 tỷ đồng, giảm 35,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 4,66 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 17 tỷ đồng, tức giảm 21,66 tỷ đồng. Tính tới 30/6/2022, tổng lỗ lũy kế đã lên tới 430,7 tỷ đồng, bằng 43,1% vốn điều lệ.

Trong năm 20222, Victory Capital đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 664,12 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 98,21 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước ghi nhận lỗ 4,66 tỷ đồng, PTL còn cách rất xa kế hoạch lãi năm 2022.

PTL tiếp tục gặp khó, không triển khai được thêm dự án nào mới. Doanh thu trong kỳ chủ yếu từ cho thuê văn phòng, khai thác cơ sở hạ tầng tòa nhà Victory Tower và doanh thu tài chính... không bù đắp đủ chi phí.

CTCP Victory Capital tiền thân là CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (gọi tắt là Công ty Petroland) được thành lập năm 2007 theo Nghị quyết của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tháng 3/2022, Công ty chính thức đổi tên từ CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí sang CTCP Victory Capital.

Cổ phiếu PTL của Victory Capital chính thức niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 15/9/2010.



An Vũ
Cùng chuyên mục