Dấu hiệu “bất thường” của thanh khoản

02/10/2019 06:33 GMT+7
Theo thông lệ, các thời điểm cuối tháng, cuối quý trước đây hệ thống thường xuất hiện dấu hiệu căng thẳng về thanh khoản. Tuy nhiên, diễn biến cuối Quý III năm nay không cho thấy hiện tượng này.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo thị trường tiền tệ tuần 23-27/9/2019.

Thanh khoản thị trường không theo "thông lệ"

Theo báo cáo của tổ chức này, trong tuần vừa qua, lượng bơm/hút ròng trên thị trường mở là bằng 0. NHNN đã phát hành mới lượng tín phiếu bằng với tuần trước đó là 68.997 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,5%) và lượng tín phiếu đáo hạn đạt 68.997 tỷ đồng.

Trên kênh OMO, NHNN không thực hiện hoạt động phát hành mới và không có lượng đáo hạn nào.

Dấu hiệu “bất thường” của thanh khoản - Ảnh 1.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tiếp tục giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt 0,05%; 0,1% và 0,1%, xuống mức 2,15%/năm; 2,4%/năm và 2,6%/năm. Lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp sau quyết định hạ các loại lãi suất điều hành của NHNN.

Dấu hiệu “bất thường” của thanh khoản - Ảnh 2.

BVSC cho rằng, việc duy trì mức tín phiếu lưu hành giống tuần trước đó và lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn đang duy trì trạng thái tương đối dồi dào.

Đặc biệt, việc lãi suất liên ngân hàng chưa dừng đà giảm ở tất các các kỳ hạn sau quyết định hạ các loại lãi suất điều hành của NHNN. Theo thông lệ, các thời điểm cuối tháng, cuối quý trước đây hệ thống thường xuất hiện dấu hiệu căng thẳng về thanh khoản.

Tuy nhiên, diễn biến cuối Quý III năm nay không cho thấy hiện tượng này. Ngoài động thái mua ròng ngoại tệ đồng nghĩa với việc bơm tiền Đồng ra thị trường của NHNN thì việc tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/09 ở mức thấp hơn so với tăng trưởng huy động (8,4% so với 8,68% cũng là nguyên nhân giúp duy trì trạng thái tích cực của thanh khoản toàn hệ thống.

Tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại NHTM cùng tăng

Cũng theo báo cáo tuần qua của BVSC tỷ giá trung tâm đã tăng 18 đồng, từ mức 23.142 VND/USD lên mức 23.160 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM giảm 3 đồng, từ mức 23.204 VND/USD xuống mức 23.201 VND/USD.

Như vậy, khoảng cách giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại NHTM tiếp tục được thu hẹp chỉ còn 41 đồng. Trong tháng 9, Việt Nam xuất siêu ước tính đạt 500 triệu USD tiếp tục bổ sung ngoại tệ, giúp tỷ giá VND/USD ổn định.

Dấu hiệu “bất thường” của thanh khoản - Ảnh 3.

Nói về chính sách điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối, tại phiên họp thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước mới đây, Phó Thống đốc cho biết, ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường.

Thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Hiện tại dự trự ngoại hối đang ở mức kỷ lục 70 tỷ USD.

Trước những ý kiến cho rằng, NHNN cần phá giá hơn nữa để hỗ trợ xuất khẩu, bởi trong thời gian qua hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có sự chững lại. Phó Thống đốc cho rằng, không thể lấy tỷ giá để làm công cụ để đẩy mạnh xuất khẩu.

"Chúng tôi cho rằng không thể lấy tỷ giá làm công cụ để đẩy xuất khẩu, chúng ta còn phải tính đến nhập khẩu và các cân đối vĩ mô", ông Tú nói.

Theo ông Tú, việc điều hành chính sách tỷ giá được tính chi li cụ thể để làm sao có được lợi ích kinh tế cao nhất với quốc gia. Đồng thời, tạo được sự ổn định tâm lý trên thị trường ngoại hối.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ thêm, việc xuất khẩu chậm lại trong thời gian vừa qua không phải do chính sách điều hành tỷ giá mà đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến thị trường thế giới khi xuất khẩu nhiều nền kinh tế lớn cũng giảm tốc.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục