Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói về khả năng phá giá tiền đồng
Ngày 1/10, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý III/2019.
Phát biểu tại buổi họp báo, phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 24/9, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống của các tổ chức tín dụng được đảm bảo.
Dư nợ cho vay đối với nền kinh tế tăng 8,64%, trong khi đó tăng trưởng huy động đạt 9,03%. Tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường. Thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt. Đồng thời, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Nói thêm về chính sách điều hành tỷ giá, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, tỷ giá đã được điều hành hài hòa và hợp lý trong thời gian vừa qua.
Trước những ý kiến cho rằng, NHNN cần phá giá tiền đồng hơn nữa để hỗ trợ xuất khẩu, bởi trong thời gian qua hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có sự chững lại. Phó Thống đốc cho rằng, không thể lấy tỷ giá để làm công cụ để đẩy mạnh xuất khẩu.
"Chúng tôi cho rằng không thể lấy tỷ giá làm công cụ để đẩy xuất khẩu, chúng ta còn phải tính đến nhập khẩu và các cân đối vĩ mô", ông Tú nói.
Theo ông Tú, việc điều hành chính sách tỷ giá được tính chi li cụ thể để làm sao có được lợi ích kinh tế cao nhất với quốc gia. Đồng thời, tạo được sự ổn định tâm lý trên thị trường ngoại hối.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ thêm, việc xuất khẩu chậm lại trong thời gian vừa qua không phải do chính sách điều hành tỷ giá mà từ nhiều nguyên nhân, trong đó chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến thị trường thế giới khi xuất khẩu nhiều nền kinh tế lớn cũng giảm tốc.
Về quyết định giảm lãi suất điều hành hồi giữa tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, động thái này nhằm đưa ra thông điệp nền kinh tế đang ổn định, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhất là những tháng cuối năm.
"Với việc giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại sẽ căn cứ vào đó để điều chỉnh lãi suất cho vay", Phó Thống đốc nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, lãi suất hiện nay là một trong những bài toán khó nhất trong điều hành chính sách tiền tệ, phải làm sao để có thể hài hòa giữa lợi ích của người cho vay và người đi vay, hài hòa được lạm phát và đảm bảo lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
Về quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, mục tiêu đến 2021 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, nhìn chung các ngân hàng đang đi đúng hướng và đạt những kết quả tích cực. Đến thời điểm hiện tại đã có 11 ngân hàng đạt chuẩn Basel 2