Đầu tư công chậm phải chăng do chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia?

30/10/2019 15:28 GMT+7
Bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Đầu tư công chậm phải chăng là do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực của các chủ đầu tư, hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia?”.
Đầu tư công chậm phải chăng do chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia?  - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau).

Nằm trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, sáng 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020.

Đề cập tới vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng tình trạng chậm xây dựng các công trình trọng điểm là điệp khúc "biết rồi nói mãi".

Đại biểu Hận cho biết: "Năm nào nội dung này cũng được Chính phủ nêu ra trong phần hạn chế yếu kém. Dù biêt rằng đây là một trong những vấn đề khó khăn, phức tạp, nhưng tôi thấy lạ là càng khắc phục thì kết quả càng tồi tệ hơn. Điển hình là việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản".

Theo ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, thực trạng nêu trên đã làm phát sinh nhiều luồng ý kiến khác nhau, cần được Chính phủ quan tâm, xem xét.

"Về chính sách kiềm chế nợ công của Chính phủ. Đây là chính sách tốt, giúp bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Nhưng chính sách này có làm suy giảm đầu tư trong xã hội, đặc biệt là huy động các nguồn vốn trong xã hội trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp?", đại biểu Hận đặt câu hỏi.

Một vấn đề khác được đại biểu Hận nêu ra, đó là: "Phải chăng đầu tư công chậm là do thắt chặt thủ tục đầu tư, do công khai minh bạch, do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt?".

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận tiếp tục phân tích: "Đầu tư công chậm phải chăng là do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực của các chủ đầu tư, hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia, hay còn những nguy cơ gì khác? Điều này cần làm Chính phủ quan tâm làm rõ, không để có dư luận không hay, không tốt cho đầu tư công".

Kết thúc phần phát biểu của mình, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận cho biết ông sẽ tiếp tục phát biểu tới khi tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ hoàn thành, hoạt động nâng cấp tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được thực hiện theo đúng tiến độ của Quốc hội.

Đầu tư công chậm phải chăng do chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia?  - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh).

Trước đó, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa thể bứt phá để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế.

Từ đây, đại biểu So cho rằng, Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Qua đó, thu hút kinh tế tư nhân tham gia sâu vào những lĩnh vực lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc.

"Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để công khai mời gọi tư nhân tham gia vào các dự án này. Đồng thời, cần sớm cho ý kiến thông qua Luật về đối tác công - tư để giải bài toán đầu tư cho lĩnh vực đặc thù của doanh nghiệp tư nhân", ĐBQH Nguyễn Như Sơ đề xuất.

Cũng theo ông So, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường.

"Tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thực lực của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt", ĐBQH Nguyễn Như So nói.

Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục