Dầu từ Libya sắp tràn ra thị trường, giá dầu đối mặt sức ép lớn

27/10/2020 09:28 GMT+7
Nguy cơ tăng sản lượng dầu từ Libya đang đe dọa trực tiếp đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm bình ổn giá dầu của OPEC và các đồng minh.
Dầu từ Libya sắp tràn ra thị trường, giá dầu đối mặt sức ép lớn - Ảnh 1.

Dự báo sản lượng xuất khẩu dầu của Libya sẽ tăng gấp đôi từ mức 500.000 thùng/ ngày hiện tại lên 1 triệu thùng/ ngày trong khoảng 1 tháng tới

Tuần trước, các phe tham chiến ở Libya đã ký một thỏa thuận đình chiến vĩnh viễn có chủ đích, chỉ một tháng sau khi lệnh phong tỏa xuất khẩu dầu của một phe nội chiến được dỡ bỏ. Điều này được dự báo sẽ thúc đẩy quá trình bình thường hóa sản lượng dầu của Libya, qua đó gây ra rủi ro lớn với nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+.

Bất ổn chính trị đã bóp nghẹt sản lượng xuất khẩu dầu của Libya trong suốt năm qua. Quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 Châu Phi đã chứng kiến sản lượng giảm mạnh từ mức 1,2 triệu thùng/ ngày hồi tháng 1 xuống chỉ còn 90.000 thùng/ ngày vào tháng 6.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya đã dỡ bỏ bất khả kháng ngay sau thỏa thuận đình chiến cuối tuần trước, qua đó bình thường hóa xuất khẩu dầu từ hai cảng quan trọng là Es Sider và Ras Lanuf. Động thái này dự báo sẽ làm tăng sản lượng xuất khẩu từ mức 500.000 thùng/ ngày hiện tại lên 800.000 thùng/ ngày trong nửa tháng tới và 1 triệu thùng/ ngày trong 1 tháng tiếp theo, cao hơn nhiều ước tính của các nhà phân tích.

Với Libya, việc đẩy mạnh xuất khẩu dầu như vậy là yếu tố cần thiết để phục hồi nền kinh tế mà dầu mỏ đóng góp tới 60% GDP và 95% kim ngạch xuất khẩu. Tamas Varga, nhà phân tích cấp cao của PVM Oil nhận định: “Diễn biến chính trị ổn định và sự gia tăng sản lượng xuất khẩu dầu là một bước tiến đáng hoan nghênh với quốc gia Bắc Phi này sau nhiều năm bất ổn”.

Nhưng xét trên góc độ quốc tế, sự gia tăng sản lượng dầu của Libya sẽ đe dọa trực tiếp đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh, gọi tắt là OPEC+. Nhóm này hồi tháng 4 đã thống nhất cắt giảm sản lượng kỷ lục gần 10 triệu thùng dầu/ ngày để bình ổn giá dầu trong bối cảnh đại dịch tàn phá nhu cầu dầu còn nguồn cung thì dư thừa lớn đưa giá dầu xuống thấp kỷ lục. Nỗ lực của OPEC+ sau đó đã đưa giá dầu về vùng điều chỉnh ổn định. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế hiện neo ở mức 40-43 USD/ thùng trong nhiều tuần nay, dù vẫn giảm mạnh khoảng 33% so với mức đạt được hồi đầu năm nay.

Libya không bị kiềm chế bởi các cam kết cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, do đó việc nước này đẩy mạnh xuất khẩu dầu chắc chắn sẽ gây áp lực lớn lên thị trường dầu mỏ. Thêm vào đó, làn sóng Covid-19 thứ hai khi hàng loạt khu vực ở Châu Âu đóng cửa trở lại và Mỹ chứng kiến số ca nhiễm mới tăng kỷ lục mỗi ngày cũng đặt sức ép lớn lên giá dầu.

OPEC+ hiện có kế hoạch nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ ngày kể từ tháng 1/2021, nhưng nếu điều kiện thị trường xấu đi, “OPEC+ có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc siết chặt mức cắt giảm trở lại”, một số chuyên gia ANZ nhận định.


NTTD
Cùng chuyên mục