Đây là lý do tăng lương cơ sở nhưng lương công nhân, lao động không tăng

Thùy Anh Thứ ba, ngày 16/05/2023 13:00 PM (GMT+7)
Ngày 1/7 tới đây, lương cơ sở tăng kéo theo tiền lương của công nhân viên chức, lao động tăng, tuy nhiên lương của công nhân lao động không tăng, vì sao?
Bình luận 0

Chỉ tăng lương ở khu cực công - khu vực Nhà nước 

Hiện nay, Việt Nam đang tồn tại 2 chế độ tiền lương khác biệt. Một là tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức làm việc khu vực công (Khu vực nhà nước). Hai là tiền lương của công nhân, lao động làm việc ở khu vực tư, bao gồm các tổ chức dịch vụ, hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Khu vực công được hiểu là khu vực có các đơn vị hành chính nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, hoặc các đơn vị sự nghiệp công. Hiện nay tiền lương của công chức, viên chức khu vực này được tính dựa trên hệ số, nhân với mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng. Ngoài khoản tiền này, công chức, viên chức còn được cộng thêm các khoản phụ cấp, như phụ cấp chức vụ; phụ cấp thâm niên, phụ cấp độc hại...

tăng lương

Tăng lương cơ sở là tăng lương ở khu vực công, tiền lương do Nhà nước chi trả. Ảnh: N.T

Nhiều ý kiến cho rằng là hiện nay các "khoản phụ" của công chức, viên chức trong khu vực công còn nhiều hơn khoản chính.

Theo PGS, TS.Trần Văn Thiện - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực (Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh) từng cho rằng, vì có quá nhiều khoản phụ cấp mà chúng ta khó có thể kiểm soát được thu nhập thực tế của công chức, viên chức. Đây cũng là cơ hội để một bộ phận công chức viên chức tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ...

Tiền lương cơ sở, áp dụng cho công chức, viên chức đã trải qua 12 lần điều chỉnh. Mức lương cơ sở đầu tiên được áp dụng vào năm 2004 là 290.000 đồng. Cho đến nay, sau 12 lần điều chỉnh mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng. Tới đây, từ 1/7, lương cơ sở sẽ tăng lên là 1.800.000 đồng.

Mặc dù lương cơ sở được điều chỉnh tăng liên tục, nhưng thực tế, mức lương này vẫn còn thấp so với khu vực tư và chưa thể đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của công chức, viên chức.

Một số công chức, viên chức mới ra trường dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng về công tác tại các đơn vị sự nghiệp, Nhà nước mức lương chỉ khoảng 3,4 triệu đồng mỗi tháng. Trừ tiền đóng BHXH thì khoản tiền này chỉ còn hơn 3,2 triệu đồng. Trong khi đó, tiền lương của cùng đối tượng như vậy, đi làm khu vực doanh nghiệp tư có thể lên tới 7 -10 triệu đồng/tháng hoặc cao gấp đôi, gấp 3 nếu lao động đó có thực lực.

Điều này dẫn tới sự mất cân bằng trong bức tranh tiền lương giữa khu vực công - tư, khiến cho khu vực công khó giữ chân được người tài.

Lý do vì sao tăng lương cơ sở lương công nhân không tăng?

Như trên đã phân tích, lương cơ sở chỉ được áp dụng cho công chức, viên chức khu vực Nhà nước. Khu vực tư, công nhân, lao động được trả lương dựa trên lương tối thiểu vùng. Tiền lương tối thiểu vùng được Hội đồng tiền lương (gồm 3 bên) xem xét và quyết định tăng định kỳ hàng năm.

Hiện nay lương tối thiểu vùng tại Việt Nam được tính theo 4 vùng, áp theo điều kiện kinh tế, phát triển từng vùng. Theo đó, vùng I (vùng đô thị loại I): 4.680.000; Vùng II vùng đô thị loại 2, trung tâm, thị trấn thị tứ...): 4.160.000; Vùng III (vùng nông thôn, miền núi): 3.640.000; Vùng IV (là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn): 3.250.000.

Mức lương tối thiểu trên đã đáp ứng được hơn 90% mức sống tối thiểu. Theo đó, Hội đồng tiền lương sẽ tiếp tục làm việc, thảo luận để đưa ra mức lương tối thiểu cho từng năm nhằm đảo bảo lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu và bù trượt giá cho người lao động.

tăng lương cơ sở

Lương tối thiểu vùng được áp dụng cho công nhân lao động ở khu vực tư. Ảnh: Nguyễn Hải

Chính bởi tiền lương của công nhân, lao động được quy định bởi tiền lương tối thiểu vùng, và được tính toán chi trả dựa trên sự thỏa thuận của lao động với doanh nghiệp cho nên khi tăng lương cơ sở thì tiền lương của công nhân lao động không được tăng lương.

Tuy vậy, xét về mặt bằng chung, tiền lương của khu vực tư đang chạy nhanh hơn khu vực công. Vấn đề tới đây khi thực hiện cải cách tiền lương, ban chỉ đạo cần tập trung giải pháp cải cách tiền lương, đưa tiền lương về giá trị thực, phản ánh sức lao động của người lao động. Đồng thời đưa tiền lương của khu vực công tiệm cận với khu vực tư, phản ánh cơ chế thị trường lao động. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chính sách tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem