ĐBQH Nguyễn Như So: “Nông nghiệp phải nhận được tỷ trọng ưu đãi lãi suất cao hơn"

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 09/01/2022 09:07 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần rà soát chính sách về hỗ trợ lãi suất tránh cào bằng, cần tập trung vào một số ngành thiết yếu, đặc biệt là nông nghiệp.
Bình luận 0

"Nông nghiệp phải nhận được tỷ trọng ưu đãi lãi suất cao hơn các nhóm ngành được hỗ trợ"

Đơn cử như ĐBQH Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho biết, chính sách về hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cần rà soát, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng trong việc hỗ trợ lãi suất.

Theo đại biểu So, chính sách này cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng thiết yếu như: Nông nghiệp, vận tải, du lịch, v.v..

Vị đại biểu này lý giải, năm 2021 ngành nông nghiệp đã phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm của toàn ngành kinh tế. Tuy nhiên, ngành cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề hàng loạt nông sản ách tắc tại các cửa khẩu trong thời gian qua. Do đó, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất để đảm bảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, gia tăng xuất khẩu chính ngạch.

"Ngành nông nghiệp cần thiết phải nhận được tỷ trọng ưu đãi lãi suất cao hơn các nhóm ngành được hỗ trợ, tương xứng với vai trò là trụ đỡ của mình", ông So nói.

ĐBQH Nguyễn Như So: “Nông nghiệp phải nhận được tỷ trọng ưu đãi lãi suất cao hơn" - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Như So: “Nông nghiệp phải nhận được tỷ trọng ưu đãi lãi suất cao hơn". (Ảnh: QH)

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu quan điểm, qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ cùng các tài liệu liên quan và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về tổng thể tôi thống nhất cao với việc ban hành nghị quyết. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay và trong giai đoạn tới của đất nước.

Để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả cao nhất, đại biểu Mai cho rằng, việc phân bổ ngân sách nhà nước phải gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như của từng ngành, lĩnh vực.

"Hiện nay, việc đầu tư cho ngành nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng. Vì vậy, tôi đề nghị cần phải tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao", ĐBQH đặt vấn đề.

Riêng đối với Đắk Nông, đại biểu Mai cho biết, Đắk Nông đang trong giai đoạn đầu của đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên nhu cầu vốn là rất lớn. ĐBQH đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam quan tâm chỉ đạo hội, sở, các tổ chức tín dụng ưu tiên dành nguồn vốn thỏa đáng để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

ĐBQH Hoàng Thị Đôi (đoàn Sơn La) thì đề nghị xem xét bổ sung giải pháp về hỗ trợ để phục hồi sản xuất, xử lý đầu ra cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với một số địa phương, vùng bắt đầu hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị kinh tế do bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ và đầu ra của sản phẩm.

Cùng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) cho rằng, các tổ chức tín dụng có lãi lớn, còn dư địa để giảm lãi suất cho vay. Do đó, cần có chính sách điều tiết thu nhập của các tổ chức tín dụng, chia sẻ rủi ro trong giai đoạn nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn.

Không thể bắt buộc ngân hàng thương mại giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay

Liên quan đến vấn đề về vốn và lãi suất, tại phiên thảo luận trực tuyến về chương trình phục hồi kinh tế, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước tập trung giảm nhanh 3 lần lãi suất điều hành và chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay trong năm 2020 (khoảng 1%) và giảm 0,8% năm 2021. Từ khi dịch bùng phát toàn hệ thống các tổ chức tín dụng giảm 40.000 tỷ cả lãi và phí từ chính nguồn tài chính của các tổ chức tín dụng.

ĐBQH Nguyễn Như So: “Nông nghiệp phải nhận được tỷ trọng ưu đãi lãi suất cao hơn" - Ảnh 3.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Theo quy định của pháp luật Ngân hàng Nhà nước không thể bắt buộc các tổ chức tín dụng giảm lợi nhuận để giảm lãi vay, vì trong các tổ chức tín dụng có những tổ chức tín dụng có cổ đông là nước ngoài. Chính vì vậy, trong quá trình điều hành chúng tôi điều hành linh hoạt các công cụ và kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và nhận được sự đồng thuận cao.

Trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất, nền kinh tế yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất. Đây thực sự là vấn đề khó khăn. Trong chương trình này, Chính phủ đã cân nhắc các giải pháp để các tổ chức tín dụng giảm 0,5 – 1% trong 2 năm. Đây là nguồn lực của các tổ chức tín dụng.

Về gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, lãi suất từ ngân sách nhưng nguồn cho vay là nguồn huy động của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều tiết làm sao tạo thuận lợi để các tổ chức tín dụng có nguồn cung tín dụng đáp ứng được cho vay gói này. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan khắc phục những hạn chế của các gói hỗ trợ trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem