Nâng chất hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - bài 2: Đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri

Bạch Dương Thứ năm, ngày 27/04/2023 07:14 AM (GMT+7)
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chú trọng việc tăng cường tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực gắn với việc góp ý cơ chế, chính sách pháp luật; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri quy định...
Bình luận 0
Nâng chất hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (Bài 2): Để hiệu quả, cần đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: B.D

Giải quyết từng vụ việc kéo dài

Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tại diễn đàn, các ĐBQH TP phát biểu chất lượng, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân rất cao. Nhưng những phát biểu đó chỉ thật sự chất lượng khi được thể hiện trong văn bản pháp luật. Vì vậy, các ĐBQH, Đoàn ĐBQH TP phải có trách nhiệm đeo bám những vấn đề đã tiếp nhận.

Tại các kỳ tiếp xúc, nhiều cử tri rất bức xúc trước những dự án treo hàng chục năm, khiếu nại khiếu kiện kéo dài mà không được giải quyết. Đơn cử như dự án Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và dự án khu dân cư đô thị Vĩnh Lộc (110ha) được phê duyệt từ năm 1999, từng được kỳ vọng là động lực phát triển của địa phương. Thế nhưng, đã gần 1/4 thế kỷ, nhiều vấn đề tồn tại của dự án gây bức xúc trong người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, dù đã nhiều lần kiến nghị.

Theo cử tri Hoàng Trung (quận Bình Tân), ngoài tiến độ đầu tư quá chậm, việc 4 lần điều chỉnh quy hoạch đã "băm nát" dự án là vấn đề khiến người dân bức xúc nhất.

"Thứ nhất, chức năng phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và 4 lần điều chỉnh có đúng quy định của pháp luật hay không? Làm cho tính chất của dự án bị xáo trộn, gây bức xúc rất lớn đối với nhân dân. Cụ thể như bãi rác, đưa vào giữa công viên để làm. Thứ hai, ở các lần điều chỉnh, diện tích đất dùng chuyển đổi sang mục đích phân lô bán nền phát sinh mới. Vậy thử hỏi, khi bán nền như vậy có nộp cho ngân sách nhà nước không?", ông Trung đặt vấn đề với các ĐBQH.

Theo ông Phan Văn Mãi, TP hiện vẫn còn ba vụ việc "đau đầu" mà người dân bức xúc là vụ việc ở Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao và 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu. Trong đó, có những vấn đề kéo dài hơn 20 năm và hơn 20 năm; chưa kể đến các vụ việc về Safari, Tam Tân, Sing Việt…

"Có những việc 20 năm không giải quyết dứt điểm thì trong năm nay, qua năm sau cũng khó để dứt điểm. Tôi không có chủ trương chạy theo thành tích đó. Việc nào khó khăn, phức tạp thì ta tập trung và cố gắng có lộ trình giải quyết", ông Mãi chia sẻ và khẳng định, năm 2023 sẽ tập trung giải quyết triệt để từng dự án, không dàn trải quá nhiều.

Tăng cường tiếp xúc cử tri nơi cư trú

Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, ngoài việc đi giám sát trực tiếp hiện trường những vụ việc kéo dài gây bức xúc trong dân, các ĐBQH cần thực sự sâu sát, gần với cử tri hơn nữa thông qua các cuộc gặp tại cơ sở, ngoài hiện trường, nơi cử tri phản ánh những vấn đề phát sinh.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM Hà Phước Thắng cho biết, Đoàn ĐBQH TP sẽ phối hợp với Thường trực HĐND TP rà soát các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng kéo dài; tổ chức làm việc với các cơ quan, đơn vị hữu quan để đôn đốc, giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

Bên cạnh đó, tăng cường tiếp xúc cử tri nơi cư trú; tiếp xúc cử tri nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực gắn với việc góp ý cơ chế, chính sách pháp luật; tiếp xúc cử tri theo đối tượng; tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri quy định.

Trưởng đoàn ĐBQH TP Phan Văn Mãi yêu cầu Đoàn ĐBQH TP cùng các ĐBQH cần đổi mới hình thức, hiệu quả tiếp xúc cử tri; tăng cường tiếp xúc chuyên đề, nhất là phải khảo sát thực tế trước khi tiếp xúc cử tri. Đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH và đại biểu HĐND TP, cần tiếp tục rà soát, đề xuất Phó Trưởng đoàn chuyên trách. Bên cạnh đó, phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP về đổi mới hình thức, cách thức, nội dung về công tác tiếp xúc cử tri.

Trưởng đoàn ĐBQH TP yêu cầu các kiến nghị, đơn thư phải được giải quyết và có phản hồi, nhất là tập trung những trường hợp kéo dài. Còn những trường hợp có thể giải quyết thì phải tập trung giải quyết.

Nâng chất hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (Bài 2): Để hiệu quả, cần đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri - Ảnh 3.

Cử tri kiến nghị đến ĐBQH nhiều vấn đề dân sinh. Ảnh: B.D

Về hoạt động giám sát năm 2023, ông Phan Văn Mãi cho rằng, Đoàn ĐBQH TP cần thực hiện có trọng tâm chọn lọc. Bên cạnh đó, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hoạt động giám sát Đoàn ĐBQH TP, của HĐND TP và của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP để nội dung không tránh trùng lắp, tránh gây thêm nhiều áp lực cho các đơn vị, địa bàn là đối tượng giám sát và phải có trọng tâm để đạt được hiệu quả cao nhất.

Quan trọng hơn, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ tư đã cho phép TP.HCM kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 54 đến hết năm 2023 và chuẩn bị nghị quyết mới thay Nghị quyết 54. Chính phủ rất khẩn trương chỉ đạo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND TP để chuẩn bị, giúp cho Chính phủ trình cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Vì thế, Đoàn ĐBQH TP cần tiếp tục góp ý với thành phố để có nghị quyết tốt nhất làm cơ sở tạo ra những cơ chế vượt trội, đột phá cho TP.HCM phát triển thời gian sắp tới.

Bài cuối: Đổi mới hoạt động giám sát là trọng tâm

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem