Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 ở TP.HCM được giáo viên khen rất hay nhưng khó

Tào Nga Thứ tư, ngày 06/03/2024 15:00 PM (GMT+7)
Đề thi chọn học sinh giỏi Văn lớp 12 ở TP.HCM được giáo viên nhận xét đề cao tính sáng tạo của học sinh khi cả hai câu hỏi đều rất mở, độ khó cao so với năm trước, nhất là câu nghị luận xã hội.
Bình luận 0

Đề thi chọn học sinh giỏi Văn lớp 12 ở TP.HCM có gì hot?

Ngày 5/3, Sở GDĐT TP.HCM đã tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố năm học 2023-2024. Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 của TP.HCM năm nay yêu cầu học sinh phải làm trong thời gian 120 với 2 phần Đọc và suy ngẫm; Viết văn. Mặc dù có ngữ liệu khá dài, tuy nhiên lại đề thi được giáo viên đánh giá khá hay, mở.

Cụ thể, câu 1 là Đọc và suy ngẫm, đề bài cho ngữ liệu trong cuốn sách "Harvard bốn rưỡi sáng" của tác giả Xiu-ying Wei. Nội dung câu chuyện xoay quanh một sinh viên đại học Harvard đã trộm cuốn sách trong thư viện mang về đọc. Do thư viện bị cháy trụi trong đêm nên cuốn sách là cuốn duy nhất còn sót lại. Nam sinh băn khoăn không biết trả lại hay giữ kín chuyện. Cuối cùng, cậu mang trả lại cho hiệu trưởng và nhận cái kết bất ngờ là bị đuổi học. 

Từ ngữ liệu trên, đề bài yêu cầu học sinh viết đoạn văn với nội dung: "Liệu những đam mê chính đáng có thể xem là lý do để biện minh cho sai lầm?".

Nội dung câu 2 cho biết: Từ câu chuyện trên có thể thấy trong cuộc sống, cùng một sự việc nhưng ở những góc nhìn khác nhau, con người sẽ có những cách đánh giá và ứng xử khác nhau. Hãy viết bài văn với nhan đề: Những góc nhìn văn chương.

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 ở TP.HCM được giáo viên khen rất hay nhưng khó - Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 ở TP.HCM được giáo viên khen rất hay nhưng khó - Ảnh 2.

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 ở TP.HCM. Ảnh: NVCC

Ngay sau khi kết thúc bài thi, nhiều học sinh và giáo viên đã đánh giá đề thi năm nay sử dụng ngữ liệu khá hay, yêu cầu của đề bài mở giúp cho học sinh tha hồ thể hiện tính sáng tạo. Tuy nhiên, đây cũng là đề thi khó cần tri thức xã hội rộng, kiến thức nền và những hiểu biết về cuộc sống, xã hội tốt.

Đề thi gợi mở sự sáng tạo của học sinh

Phân tích đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 ở TP.HCM, thạc sĩ Hà Văn Vụ, giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM cho biết: "Năm nay cũng như một số năm gần đây, đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn của TP.HCM rất được mong đợi vì tính mở của đề, tính thời sự của thông tin…

Đề thi với chủ đề xuyên suốt theo chúng tôi đó là những góc nhìn khác nhau cũng là đề mang tính mở, kích thích sự sáng tạo trong cách viết của học sinh.

Về ngữ liệu, người soạn sử dụng ngữ liệu từ cuốn sách "Harvard bốn rưỡi sáng" của tác giả Xiu-ying Wei (Vĩ Tú Anh) do Phan Thu Vân dịch, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2023. Trước khi được in thành sách, nó được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng của Trung Quốc.

So với đề năm 2023 thì gợi dẫn của đề khá dài, người ra đề không sử dụng ngữ liệu ở trang nhất định nào đó của cuốn sách mà chọn lọc, biên tập ở nhiều trang khác nhau để ra đề.

Ở câu nghị luận xã hội, lệnh đề là một câu hỏi gắn liền với nội dung được gợi ra từ ngữ liệu hoặc phần gợi dẫn mà người ra đề biên soạn: Liệu những đam mê chính đáng có thể xem là lý do để biện minh cho sai lầm? Rõ ràng đề có hai vấn đề nghị luận lớn: Đam mê chính đáng và lý do để biện minh cho sai lầm? 

Đam mê chính đáng là những trải nghiệm của cá nhân với công việc hoặc sở thích trong khoảng thời gian nhất định trong cuộc sống, phù hợp với những chuẩn mực và đạo đức chung của xã hội. Đam mê chính đáng là những đam mê cần được biểu dương nhưng tránh lợi dụng ý nghĩa của những đam mê này để biện minh cho những hành động sai lầm của mình trong quá trình thực hiện đam mê. Có thể những sai lầm đó vi phạm những vấn đề về đạo đức và chuẩn mực chung của xã hội.

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 ở TP.HCM được giáo viên khen rất hay nhưng khó - Ảnh 3.

Thạc sĩ Hà Văn Vụ, hiện là giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM. Ảnh: NVCC

Đọc qua chúng ta có thể thấy rất rõ, nhưng vấn đề nghị luận này tương đối khó, cần tri thức xã hội rộng, kiến thức nền và những hiểu biết về cuộc sống, xã hội tốt thì các em học sinh mới có thể lập luận sắc sảo, thuyết phục. Vì vậy đề năm nay có tính phân hoá ngay từ câu nghị luận xã hội.

Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh viết bài luận: Những góc nhìn văn chương. Lệnh đề mở và sát với phần gợi dẫn (những góc nhìn khác nhau), học sinh có thể thoải mái viết theo quan điểm của cá nhân nhưng có thể phải so sánh với góc nhìn hoặc quan điểm của người khác về văn bản mà mình sử dụng để nghị luận. Nếu không tỉnh táo học sinh có thể chỉ đưa ra quan điểm cá nhân mình nhưng không so sánh hoặc làm nổi bật được góc nhìn khác từ tác phẩm đó. Như vậy điểm sẽ không cao.

Nói tóm lại, đề năm nay đề cao tính sáng tạo của học sinh khi cả hai câu hỏi đều rất mở. Tuy nhiên, đề gợi dẫn dài và độ khó cao so với năm trước, nhất là câu nghị luận xã hội. Hy vọng rằng các em học sinh sẽ đạt được kết quả cao trong kỳ thi này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem