Đề xuất 3 tháng thay đổi giá điện/lần: Thứ trưởng Bộ Công Thương nói gì?

An Linh Thứ bảy, ngày 05/08/2023 16:53 PM (GMT+7)
Trước câu hỏi về việc đề xuất điều chỉnh giá điện bán lẻ 3 tháng/lần có khả thi và ảnh hưởng đến kinh tế và người tiêu dùng, tại họp báo thường kỳ Chính phủ hôm nay ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời thẳng thắn.
Bình luận 0

Bộ Công Thương đăng đàn trả lời đề xuất điều chỉnh giá điện

Theo ông Hải, đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần như hiện nay là phù hợp với quy định trong Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đỗ Thắng Hải dẫn Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thì EVN có thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ở mức dưới 5% (cụ thể là từ 3 - đến dưới 5%). Quy định này nhằm đảm bảo mức độ tự quyết của doanh nghiệp trên khung giá đã được Chính phủ quy định.

Đề nghị điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói gì? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (Ảnh: Chinhphu.vn).

Về chu kỳ điều chỉnh giá điện, do ảnh hưởng của địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ cuối quý I/2022. Chí phí nhiên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện tăng theo giá thế giới làm chi phí mua điện của EVN tăng cao ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của tập đoàn.

Theo ông Hải, EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện vào các năm 2022, 2023 để đảm bảo dòng tiền, tình hình tài chính. Với biến động thông số đầu vào (chủ yếu là giá nhiên liệu), kết quả tính toán cho thấy giá điện cần điều chỉnh tăng ở mức tương đối cao để đảm bảo dòng tiền cho EVN.

Trong quá trình đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 cũng như 2023, Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến là cần nghiên cứu, điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước cho phù hợp, tránh điều hành giật cục", ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, trên cơ sở nghiên cứu sửa đổi Quyết định 24 để tránh gây ảnh hướng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, trong dự thảo đã đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá bán điện xuống còn 3 tháng/lần.

"Sự điều chỉnh này phù hợp với quy định hiện nay bởi theo Quyết định 24 đã quy định EVN phải cáo cáo, tính toán giá điện cập nhật hàng quý. Đề xuất mới hoàn toàn phù hợp với quy định này", ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, giá điện là mặt hàng "nhạy cảm" tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nên việc thực hiện điều chỉnh giá điện với mức độ, thời điểm… phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo việc điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và kinh tế xã hội.

Đề nghị điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói gì? - Ảnh 2.

Bộ Công Thương nói gì về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/ lần (Ảnh EVN)

Hôm 3/8, tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo phương án giá điện cập nhật hàng quý năm 2023 để thực hiện giá bán điện theo quy định.

"Sớm hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, như Dân Việt đưa tin tại Tờ trình gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trong đó giảm giá bán lẻ điện khi giá điện bình quân giảm từ 1% so với giá bán lẻ điện hiện hành. Đối với các mức điều chỉnh giá bán lẻ điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3-10% vẫn tương tự như Quyết định 24/2017/QĐ-TTg năm 2017 và đang được áp dụng.

Bên cạnh đó, thời gian xem xét điều chỉnh giá điện, tại Quyết định 24 hiện hành, Chính phủ quy định 6 tháng nhưng trong dự thảo Tờ trình này, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn xuống còn 3 tháng. Cơ sở và mục tiêu nhằm thực hiện chính sách giá điện bán lẻ bình quân sát thị trường các yếu tố đầu vào để làm cơ sở tính toán giá điện bán lẻ đến hộ tiêu dùng.

Hiện giá điện bán lẻ bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính tổng chi phí sản xuất, kinh doanh và mức lợi nhuận hợp lý bình quân cho 01 kWh điện thương phẩm trong từng thời kỳ. Đây là giá mua và bán điện giữa bên mua là EVN, các Tổng Công ty điện lực và bên bán điện là các đơn vị phát điện, tổ chức, cá nhân thực hiện hợp đồng mua bán điện có ký hợp đồng với EVN và các đơn vị cung ứng điện.

Giá bán lẻ điện bình quân nằm trong khung giá (sàn - trần) do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Mức giá bán lẻ điện bình quân không được vượt qua khung giá của Thủ tướng. Căn cứ vào giá bán lẻ điện bình quân, EVN sẽ xây dựng cơ sở để tính toán giá bán lẻ điện đến hộ tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem