Đề xuất công chứng viên hành nghề đến 70 tuổi: Bộ Tư pháp nêu lý do

Bách Thuận Thứ sáu, ngày 12/04/2024 18:51 PM (GMT+7)
Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đã bổ sung độ tuổi hành nghề của công chứng viên là 70 tuổi. Đại diện Bộ Tư pháp đã nêu lý do tại sao dự thảo luật lại quy định độ tuổi này.
Bình luận 0

Chiều 12/4, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, nhiều cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi liên quan đến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), trong đó thông tin giới hạn độ tuổi công chứng viên được quan tâm.

Cụ thể, dự thảo luật lần này sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, bên cạnh quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng với tất cả các đối tượng, dự thảo luật quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi.

Trả lời về việc tại sao dự thảo luật lại quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên đến 70 tuổi mà không phải mốc khác, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng đã thông tin các lý do.

Đề xuất công chứng viên hành nghề đến 70 tuổi: Bộ Tư pháp nêu lý do- Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết, quy định công chứng viên hành nghề đến 70 tuổi phù hợp chung với độ tuổi lao động. Ảnh: Bách Thuận

Theo ông Lê Xuân Hồng, hiện nay chúng ta đang tăng cường chất lượng của công chứng viên. Quy định về tuổi phù hợp chung với độ tuổi lao động (ví dụ độ tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức là nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi); theo số liệu, tuổi thọ trung bình cũng trên dưới 73 tuổi.

Thứ hai, văn phòng công chứng mang tính chất xã hội hoá. Ở văn phòng công chứng, các hoạt động liên quan xác nhận hợp đồng giao dịch đòi hỏi năng lực, trí tuệ, trí lực. Hiện nay theo thống kê, công chứng viên hành nghề độ tuổi 70 trở lên chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa đến 10%. 

Mặt khác, theo ông Hồng, các công chứng viên có độ tuổi cao như vậy hành nghề thì cũng ký văn bản ít hơn những người trẻ. Thứ ba, mặc dù quy định độ tuổi nhưng dự thảo luật có điều khoản chuyển tiếp được thực hiện 2 năm. Nếu dự thảo luật này được thông qua, chúng ta có 2 năm, 2 năm đó chúng ta có thể đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đáp ứng được các trường hợp trên 70 tuổi.

"Vì những lý do đó, Chính phủ trình Quốc hội phương án giới hạn độ tuổi công chứng viên tuổi 70. Đây cũng là thông lệ quốc tế, nhiều nước quy định độ tuổi công chứng viên giới hạn 70 tuổi" – Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng nói.

Về việc đảm bảo công tác quản lý nhà nước liên quan công chứng trong bối cảnh đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động hiện nay, ông Hồng thông tin, hoạt động công chứng là hoạt động mang tính chất dịch vụ công cơ bản, do vậy mặc dù xã hội hoá nhưng phải tăng cường quản lý.

Ông Hồng cũng cho biết, đây không phải hoạt động kinh doanh bình thường mà là dịch vụ công, kể cả văn phòng công chứng cũng là dịch vụ công được Nhà nước uỷ nhiệm cho các cơ sở công chứng để làm, tính chất lợi nhuận không có. Luật công chứng hiện tại cũng như dự thảo mới đây đều tăng cường công tác quản lý khi xã hội hoá.

Theo đó, Chính phủ phải có định hướng để phát triển nghề công chứng cũng như tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên; các bộ, ngành, đơn vị liên quan có thể đưa ra các quy chuẩn…

Một trong những quy định mới của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi):

Những đối tượng được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng hiện hành, sẽ tham gia đào tạo nghề nhưng được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng từ 12 tháng xuống còn 6 tháng (khoản 3 Điều 9).

Tại Điều 10 dự thảo luật quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng thống nhất là 12 tháng để giúp cho các đối tượng tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn.

Để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, dự thảo luật bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi (Điều 8, Điều 14, Điều 15); đồng thời để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì dự thảo luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành, được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an có đề xuất luật hoá việc đấu giá biển số ô tô, đồng thời mở rộng phạm vi đấu giá với cả biển số xe máy. Nêu quan điểm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng cho rằng phụ thuộc vào tính chất chuyên ngành.

Theo ông Hồng, nếu chuyên ngành cần đưa vào thì quy định tại luật đó. Về phía Bộ Tư pháp, hiện nay Bộ Tư pháp đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Đấu giá tài sản và Bộ đã phối hợp chỉnh sửa, tinh thần việc bán đấu giá xe không đưa vào Luật Đấu giá tài sản mà đưa vào Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem