Đề xuất Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024: Cần thiết nhưng tránh vội vàng, vướng mắc chồng vướng mắc

Quỳnh Nguyễn Thứ bảy, ngày 30/03/2024 06:34 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, để Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024 thì thời gian còn lại vô cùng gấp gáp để các Bộ ngành xây dựng được các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đòi hỏi các Bộ ngành phải thật sự nỗ lực, tránh trường hợp xây dựng vội vàng, vướng mắc lại chồng vướng mắc.
Bình luận 0

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành sớm trình các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật Đất đai sửa đổi (luật Đất đai 2024). Đây là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay vì từ ngày 1/1/2025 như đã thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào đầu năm nay.

Nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ nếu Luật Đất đai sớm có hiệu lực

Chia sẻ với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đánh giá, Luật đất đai là một bộ luật chuyên ngành rất đồ sộ, liên quan đến rất nhiều Luật khác nhau và đang có nhiều điểm nghẽn, những điểm nghẽn này ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Sau khi sửa đổi, cơ bản những điểm nghẽn chúng ta đang gặp phải đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, theo bà Nga, nếu như chờ đợi hơn 1 năm, đến 1/1/2025 luật mới có hiệu lực thì trong cả năm 2024 những điểm nghẽn trên vẫn chưa tháo gỡ được.

Đề xuất Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024: Cần thiết nhưng tránh vội vàng, vướng mắc chồng vướng mắc- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: QH

Bên cạnh đó, năm 2025 là một năm rất đặc biệt bởi vì đây là năm cuối của nhiệm kỳ, nếu như Luật đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024 thì thời gian được đẩy sớm lên nửa năm, các khó khăn sẽ được tháo gỡ rất đáng kể và sẽ kịp tiến độ để cho các địa phương giải quyết được những công trình trọng điểm, những vấn đề liên quan đến đất đai... góp phần hoàn thành được nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ.

Ghi nhận những lợi ích nếu Luật Đất đai sớm có hiệu lực như đề xuất, tuy nhiên, theo bà Nga, còn nhiều việc phải làm để luật có hiệu lực bởi Luật đất đai liên quan đến rất nhiều Luật khác, liên quan đến nhiều Bộ, ngành; khối lượng các điều luật để giao Chính phủ quy định chi tiết khá nhiều, các Bộ phải có thông tư hướng dẫn...

"Tính từ nay đến 1/7, thời gian vô cùng gấp gáp để các Bộ, ngành xây dựng được các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đòi hỏi các Bộ, ngành phải thật sự nỗ lực, tránh trường hợp xây dựng vội quá, vướng mắc lại chồng vướng mắc.

Nếu không kịp xây dựng được các văn bản hướng dẫn thi hành luật thì việc đẩy thời gian luật có hiệu lực sớm hơn cũng không có ý nghĩa gì", bà Nga bày tỏ.

Bà Nga nêu thực tế thời gian qua có không hiếm các trường hợp luật "nằm chờ" nghị định bởi nếu không có nghị định hướng dẫn thi hành thì các địa phương chưa biết làm như thế nào.

Vẫn theo bà Nga, áp lực như đã nêu ở trên rất lớn nhưng bà tin tưởng Chính phủ đã có đề xuất thì Chính phủ cũng đã có phương án để giải "bài toán" này.

"Để Luật có hiệu lực từ 1/7/2024 thì phải có sự vào cuộc vô cùng tích cực của Chính phủ, các Bộ ngành T.Ư lẫn các địa phương để tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc", bà Nga bày tỏ.

Đề nghị có đánh giá cặn kẽ từ Chính phủ

Trao đổi với Dân Việt, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) bày tỏ ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng về đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7.

Theo ông Cừ, Luật đất đai là bộ luật rất khó. Trong Luật đất đai trước đây, một số phương pháp xác định giá đất để đền bù, kể cả các vấn đề đấu thầu có những vấn đề tồn tại, dẫn đến những sai phạm, bất cập.

"Luật Đất đai có hiệu lực sớm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, thông lệ trước giờ luật ban hành cả năm rồi nhưng thông tư, nghị định còn chưa kịp ra. Cho nên để đúng ngày, đúng giờ luật đi vào cuộc sống thì ban hành thông tư, hướng dẫn càng sớm càng tốt", ông Cừ nói.

Đề xuất Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024: Cần thiết nhưng tránh vội vàng, vướng mắc chồng vướng mắc- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: QH

Bà Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, bà Sửu đề nghị có đánh giá cặn kẽ từ Chính phủ, có sự đánh giá tác động các mặt lợi ích hoặc bất cập nếu có, đặc biệt đối với người dân, các đối tượng yếu thế về đất đai, về bất động sản và những vấn đề liên quan trong Luật đất đai.

Lo ngại tính khả thi khi thời gian 1/7 đã đến rất gần, bà Sửu cho biết, nếu đẩy nhanh thời điểm luật có hiệu lực thì công tác cụ thể hóa Luật này từ các bộ ngành của Chính phủ phải gấp rút thực hiện.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn chứng một số Luật đã ban hành, có hiệu lực rồi nhưng có thông tư rất chậm. Thậm chí, một số luật mà độ trễ của thông tư, nghị định và các văn bản dưới luật cả 5 năm. Theo bà, như vậy là quá chậm, quá muộn, gây thiệt thòi rất nhiều cho đối tượng thực hiện và các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện những Luật đó.

"Tôi mong đợi nếu Chính phủ có sự đề xuất như vậy thì phải có sự chuẩn bị rất đồng bộ từ các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật đất đai này để cùng nhau triển khai, thực hiện.

Khi đẩy tiến độ cho phép luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thì tất cả những văn bản dưới luật đó phải có ngay lúc đấy.

Tôi rất mong muốn những văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật đất đai như nghị định, thông tư có tầm ảnh hưởng lớn đến quốc gia thì cũng phải thông qua để lấy ý kiến của đại biểu quốc hội", bà Sửu bày tỏ quan điểm.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem