Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Lợi ít, hại nhiều

Thứ sáu, ngày 30/05/2014 08:22 AM (GMT+7)
“Nếu tăng tuổi nghỉ hưu dẫn đến mất cơ hội tìm việc làm cho người đến tuổi lao động, khiến năng suất lao động của hệ thống hành chính cũng như doanh nghiệp đều thấp".
Bình luận 0
Sáng 29.5, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Quốc hội Lê Hiền Vân (Hà Nội) khẳng định: “Tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể là biện pháp cơ bản để khắc phục tình trạng vỡ quỹ bảo hiểm. Nếu thực hiện không cẩn thận thì có thể tạo ra gánh nặng cho xã hội, nhất là với những cán bộ, công chức làm việc theo kiểu đối phó”.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng tình trạng thất nghiệp.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng tình trạng thất nghiệp.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ kéo theo nguy cơ tăng cao về tình trạng thất nghiệp. “Mỗi năm có hàng triệu người đến tuổi lao động, trong đó có khoảng nửa triệu người từ nông thôn đến thành thị tìm việc làm. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu dẫn đến mất cơ hội tìm việc làm cho người đến tuổi lao động, khiến năng suất lao động của hệ thống hành chính cũng như doanh nghiệp đều thấp. Hơn nữa, có tình trạng công chức muốn làm ít mà lại hưởng lương cao. Đây là vấn đề nhức nhối, cần phải sửa từ gốc chứ không thể bắt đầu từ ngọn như dự thảo”.

Đồng tình với các quan điểm trên, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) phân tích: Yếu kém của BHXH thời gian qua là mở rộng đối tượng tham gia BHXH quá chậm trong khi đây là cơ sở vững chắc cho cân đối quỹ. Việc nợ đọng lại quá cao, chỉ trên 50% số người lao động được đóng BHXH trong khi có tới 80% thực hiện không nghiêm túc. Ông Kiêm nhấn mạnh: “Lập luận đưa ra lý do thứ nhất là hụt thu nhiều sợ vỡ quỹ. Cứ thế này đến 2021 thiếu cân đối, 2030 vỡ quỹ. Lý do thứ 2 là có học tập kinh nghiệm nước ngoài. Hai lý do này chưa vững chắc. Các nguyên nhân gây vỡ quỹ nói trên chưa giải quyêt rốt ráo, hiệu quả mà lại tăng tuổi thì không tích cực. Tóm lại, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì lợi ít, hại nhiều”.

Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), từ năm 2016 trở đi, tuổi hưởng lương hưu của cán bộ, công chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, tuổi hưởng lương hưu của người lao động như công nhân quốc phòng, công nhân, công an, người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành HTX... cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

* Chiều 29.5, Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. Theo nhiều đại biểu, qua kiểm toán cho thấy, thời gian qua việc chi thường xuyên còn lãng phí, sai chế độ, có dấu hiệu gia tăng so với năm 2011. Năm 2012 với nhiều khó khăn, phải cắt giảm chi tiêu, nhưng cơ quan T.Ư và các tỉnh vẫn mua mới trên 1.700 xe, mỗi xe trị giá hàng tỷ đồng.

Long Nguyễn- Ngọc Lương (Long Nguyễn- Ngọc Lương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem