"Đếm" số ca mắc Covid-19 có còn cần thiết với Hà Nội?

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 09/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trước ý kiến cho rằng việc "đếm" số ca mắc Covid-19 không còn cần thiết, Hà Nội cần tập trung vào ca bệnh nặng thì có chuyên gia y tế lại cho rằng việc tính số ca mắc vẫn còn giá trị ở thời điểm hiện tại.
Bình luận 0

Dịch ở Hà Nội căng thẳng, F0 ngày càng nhiều

Ngày 8/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, ghi nhận thêm gần 2.800 ca nhiễm Covid-19. Bệnh nhân phân bố tại 386 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (144); Hai Bà Trưng (127); Hoàn Kiếm (118); Bắc Từ Liêm (88); Thanh Trì (72). Trong 1 tuần qua, Hà Nội đều có trên 2.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. 

"Đếm" số ca mắc Covid-19 có còn cần thiết với Hà Nội? - Ảnh 1.

Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội cho rằng việc "đếm" ca mắc Covid-19 "không còn cần thiết, Hà Nội cần tập trung vào ca bệnh nặng". 

Cụ thể, ông Hải cho biết, tình hình dịch ngày càng căng thẳng hơn do số F0 ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đa số người dân đều đã được tiêm vaccine nên số ca chuyển nặng ít hơn.

"Đếm" số ca mắc Covid-19 có còn cần thiết với Hà Nội? - Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 điều trị cho bệnh nhân nặng, phải thở máy. Ảnh: Gia Khiêm

"Chuyện Hà Nội đã đạt đỉnh dịch hay chưa chúng ta chưa bàn đến. Một số nhà dịch tễ khuyên không làm tràn lan nữa, nên tập trung ca nặng, ca có nguy cơ để đưa vào viện thay vì ngồi đếm số ca. Giai đoạn hiện nay việc đếm số ca với Hà Nội không còn cần thiết nữa. Phát hiện những người có triệu chứng để có biện pháp khuyên ở nhà, khi trở thành F0 điều trị ở nhà theo các gói thuốc Sở Y tế cung cấp", ông Hải nêu.

Trước thắc mắc của PV Dân Việt cho rằng, việc căn cứ vào số ca mắc để đánh giá mức độ dịch cũng như xác định tỉ lệ bệnh nhân nặng, ông Hải cho rằng "Chính vì chúng ta rất quan tâm tới tỷ lệ nên phải làm quen với câu chuyện đừng tính tỷ lệ nữa".

"Đếm" số ca mắc Covid-19 có còn cần thiết với Hà Nội? - Ảnh 3.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. Thực tế nhiều nhà không đạt được những quy định đề ra, như nhà cửa không được rộng rãi, lo ngại 1 người bệnh lây nhiễm thì những người khác là F1.

"Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta nên cho họ ở nhà, người nọ chăm người kia, theo dõi sát, phát hiện nguy cơ trở nặng. Nếu đưa đến thu dung là gánh nặng cho ngành y tế, người bệnh không vui, nhân viên quá tải. Chúng ta hoàn toàn có thể cho người bệnh ở nhà tùy theo triệu chứng của người bệnh, thay vì điều kiện chúng ta đặt ra", ông Hải nói.

"Đếm" số ca mắc Covid-19 có còn cần thiết với Hà Nội? - Ảnh 4.

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội những ngày vừa qua. Ảnh: CDC Hà Nội

Ông cũng cho rằng nên có nhiều đội y tế lưu động, y tế phường, y tế khu phố để phát hiện chuyển nặng và đưa lên tuyến trên kịp thời. Cùng với đó, Hà Nội nên chú trọng phương tiện vận chuyển F0. Thời gian gần đây tình trạng người bệnh chờ lâu, phương tiện quá tải, người bệnh sốt ruột chủ yếu do các cơ sở y tế vừa vận chuyển F0 đến cơ sở thu dung, vừa vận chuyển ca bệnh nặng dẫn đến quá tải.

Chuyên gia y tế cho rằng "tính số ca mắc vẫn còn giá trị ở thời điểm hiện tại"

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, việc tính số ca mắc vẫn còn giá trị ở thời điểm hiện tại.

"Đếm" số ca mắc Covid-19 có còn cần thiết với Hà Nội? - Ảnh 5.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lại cho rằng, việc tính số ca mắc vẫn còn giá trị ở thời điểm hiện tại. Ảnh: NVCC

Theo ông Phu, khi mà số ca mắc cao quá có thể dẫn tới quả tải hệ thống y tế và vẫn có thể ảnh hưởng tới ca bệnh nặng, tử vong. Theo Nghị quyết 128, làm sao vừa kiểm soát được dịch một cách an toàn linh hoạt, quan trọng không để tăng số ca mắc nặng, tử vong và quá tải hệ thống y tế, muốn vậy thì phải kiểm soát được số ca nhiễm.

"Đếm" số ca mắc Covid-19 có còn cần thiết với Hà Nội? - Ảnh 6.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội đang điều trị cho một thai phụ mắc Covid-19 nặng. Ảnh: Gia Khiêm

"Trên cơ sở khoa học cũng như quản lý thực tiễn các bệnh truyền nhiễm, vẫn phải quản lý được số ca nhiễm vì từ số này mới đánh giá được diễn biến dịch như thế nào và thường số ca bệnh nặng như "phần nổi của tảng băng chìm". Tất nhiên là tỷ lệ tuỳ theo từng bệnh, đối với Covid-19 thì khi đã tiêm vaccine rồi khác chưa tiêm vaccine và số ca bệnh nặng tuyệt đối cũng khác nhau… và xác định hệ thống y tế có còn đáp ứng được hay không. Thế nhưng, có thể chúng ta chuyển đổi bằng cách không báo cáo hàng ngày những ca nhiễm nhưng hệ thống y tế vẫn cần phải nắm được để đánh giá được tình hình dịch", ông Phu nêu quan điểm.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, các nước tiên tiến Châu Âu hiện vẫn theo dõi số ca nhiễm hàng ngày, hàng tuần, thậm chí khi mà số ca nhiễm tăng cao quá thì phải đưa ra các biện pháp hạn chế như đi lại, tụ tập đông người… Nên không thể bỏ việc kiểm soát ca nhiễm đi được.

"Theo tôi, tiến tới chúng ta có thể phân làm 2 khái niệm: Người nhiễm là những người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và bệnh nhân là những người có triệu chứng và để đưa ra cách báo cáo, giám sát, theo dõi và điều trị cho từng đối tượng này. 

Cụ thể là thay đổi hình thức thống kê khi chúng ta cần phân rõ hai con số giữa ca nhiễm và những người mắc bệnh (có triệu chứng và được điều trị, đi bệnh viện) để mà có những đáp ứng cụ thể và trúng hơn trong việc phòng, điều trị và cấp cứu bệnh nhân", ông Phu cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem