Đến lượt trái phiếu chính quyền địa phương Trung Quốc (LGFV) đối diện rủi ro vỡ nợ
Là quốc gia đầu tiên tuyên bố kiểm soát thành công dịch Covid-19 trên toàn cầu, Trung Quốc được đánh giá là nền kinh tế lớn duy nhất có tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Nhưng ở một phương diện khác, hàng loạt vụ vỡ nợ chấn động thị trường trái phiếu Trung Quốc thời gian qua đang có nguy cơ bùng phát thành một làn sóng gây bất ổn cho nền kinh tế.
Nợ của Trung Quốc đã tăng bình quân 20% mỗi năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước. Từ mức nợ 178% GDP trong quý I/2010, con số này đã tăng lên gần 275% trong quý I/2020, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Những khoản chi khẩn cấp để vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 càng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nợ chóng mặt của Trung Quốc. Cho đến nay, tỷ lệ nợ của Trung Quốc đã sớm vượt qua Nhật Bản vào thời kỳ đỉnh điểm cuộc khủng hoảng của xứ sở hoa anh đào. Dấu hiệu của bất ổn trong thị trường tài chính Trung Quốc tập trung ở 3 vụ vỡ nợ của 3 doanh nghiệp nhà nước: Tập đoàn điện than Yongcheng, Tập đoàn ô tô Huachen Automotive Group Holdings - đối tác duy nhất của BMW tại Trung Quốc và nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup.
Sở dĩ những vụ vỡ nợ này trở thành tín hiệu đáng báo động là bởi trước đây, mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương Trung Quốc thường khiến các thị trường coi đây là lựa chọn đầu tư an toàn. Giờ đây, khi nhà nước có xu hướng để mặc doanh nghiệp quốc doanh phá sản, giới đầu tư có thể phải nghĩ lại về tính an toàn của loại trái phiếu này. Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group nhận định: “Niềm tin vào sự hậu thuẫn của chính phủ là bức tường quan trọng nhất chống lại khủng hoảng tài chính. Giờ đây, chúng ta đang thấy sự tín nhiệm này bị xói mòn”.
Nhưng một nguy cơ đáng lo sợ hơn cả doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ trái phiếu, đó là rủi ro vỡ nợ trái phiếu do chính quyền địa phương Trung Quốc phát hành (LGFV). Các LGFV được chính quyền địa phương thành lập để lách lệnh cấm của Bắc Kinh về việc vay mượn trực tiếp từ ngân hàng. Phần lớn các khoản vay LGFV sẽ được quy đổi thành trái phiếu địa phương, khoản nợ này hiện tương đương khoảng 10% GDP. Gần 25% trong số đó, tương đương 2,5 nghìn tỷ NDT sẽ đến hạn thanh toán vào năm 2021.
Cho đến nay, chưa có LGFV Trung Quốc nào từng vỡ nợ trái phiếu. Nhưng từ vài năm nay, nhiều tổ chức xếp hạng như Fitch Rating hay S&P Global Ratings đã cảnh báo đợt vỡ nợ đầu tiên có thể sẽ xảy đến do tốc độ tăng tín dụng quá nhanh. Nhất là trong bối cảnh các chính quyền địa phương cần dư địa tín dụng để kích thích nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Nhìn vào trường hợp các doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ như Tập đoàn điện than Yongcheng, nó từng là “con cưng” được Bắc Kinh tìm cách bảo vệ vì lợi ích ổn định tài chính - xã hội. Nhưng vụ vỡ nợ trái phiếu mới nhất của Yongcheng chỉ ra rằng Bắc Kinh đang ngầm chấp nhận các vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra nhằm thanh lọc thị trường trái phiếu, loại bỏ những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.
Có vẻ như chính quyền ông Tập Cận Bình đã nhận ra rằng sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch của Trung Quốc hiện tại chỉ là điểm sáng tạm thời. Về lâu dài, nước này vẫn phải đối mặt với một môi trường quốc tế bất ổn, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ duy trì chính sách cứng rắn với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới. Trong tình huống như vậy, tự cường nền kinh tế và tạo động lực tăng trưởng từ thị trường nội địa là vô cùng quan trọng để duy trì tăng trưởng bền vững. Điều này sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phân bổ tín dụng hiệu quả hơn, loại bỏ các “công ty xác sống” hoạt động kém hiệu quả gây bất lợi lớn cho hệ thống tài chính. Từ góc độ này, việc thanh lọc rủi ro tín dụng bằng cách cho phép nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước có vẻ như là một động thái đáng hoan nghênh. Nhưng đây rõ ràng là cách tiếp cận mạo hiểm, bởi nếu Bắc Kinh không kiểm soát được quy mô các vụ vỡ nợ, làn sóng vỡ nợ có thể bùng phát và kéo theo nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu chính quyền địa phương.
Tuy vậy, một số cơ quan phân tích như Fitch Rating cho rằng rủi ro này có thể được hạn chế nhờ tầm ảnh hưởng rộng lớn của chính phủ Bắc Kinh trên toàn hệ thống tài chính. Nghĩa là Bắc Kinh có thể sẽ đủ đòn bẩy để ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ toàn hệ thống.