Trung Quốc 'bỏ mặc' nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup trước nguy cơ vỡ nợ 2,5 tỷ USD

11/12/2020 09:54 GMT+7
Nhà sản xuất chip Trung Quốc Tsinghua Unigroup đang đối diện với nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài lên tới 2,5 tỷ USD nếu không đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ 450 triệu USD trái phiếu châu Âu đến hạn trong tuần này.
Trung Quốc 'bỏ mặc' 1 DNNN trước nguy cơ vỡ nợ 2,5 tỷ USD - Ảnh 1.

Trung Quốc 'bỏ mặc' 1 DNNN trước nguy cơ vỡ nợ 2,5 tỷ USD

Bảng cân đối kế toán của Tsinghua Unigroup ngày càng cho thấy nhiều rắc rối lớn sau vụ vỡ nợ trái phiếu trong nước trị giá 1,3 tỷ NDT (199 triệu USD) hồi tháng trước. Giờ đây, nếu Tsinghua Unigroup không đáp ứng được hạn thanh toán 450 triệu USD trái phiếu châu Âu và nhiều khoản lãi trái phiếu trong nước đến hạn trong tuần này, hệ quả có thể làm bùng phát một vụ vỡ nợ chéo với quy mô lên tới 2,5 tỷ USD.

Vào cuối ngày 9/12, Tsinghua Unigroup đã cảnh báo với sàn giao dịch Hồng Kông, nơi niêm yết trái phiếu châu Âu của hãng rằng khó có khả năng trả được khoản lãi suất với khoản trái phiếu trong nước trị giá 5 tỷ NDT đáo hạn cùng ngày. Các nhà đầu tư không mấy ngạc nhiên với tuyên bố như vậy, bởi tình hình tài chính hãng chip này vốn đã bất ổn trong khoảng 3 năm gần đây sau hàng loạt lần vay nợ ồ ạt để rót tiền vào các thương vụ M&A, các dự án R&D nhằm thúc đẩy vị thế trong ngành công nghệ chip.

Tsinghua Unigroup trực thuộc Đại học Thanh Hoa, một trong những trường Đại học danh tiếng hàng đầu Trung Quốc. Tập đoàn này từng báo cáo lỗ ròng 3,38 tỷ NDT trong hai quý đầu năm 2020.

Hôm 10/12, Tsinghua Unigroup tuyên bố không thể thanh toán khoản lãi suất 260 triệu NDT cho một loại trái phiếu trong nước “vì tình hình thanh khoản căng thẳng”. Trước đó một ngày, Tsinghua Unic, một công ty con thuộc Tsinghua Unigroup cũng đưa ra tuyên bố riêng cảnh báo công ty mẹ không thể thanh toán khoản tiền gốc cho khoản trái phiếu châu Âu trị giá 450 triệu USD. Điều này có nguy cơ “tạo thành một vụ vỡ nợ trái phiếu chéo” khi cả ba loại trái phiếu mệnh giá USD do Tsinghua Unic phát hành vào tháng 1/2018 với tổng mệnh giá 2 tỷ USD sẽ bị coi là vỡ nợ. Kỳ hạn đợt thanh toán đầu tiên trị giá 1,05 tỷ USD sẽ đến vào cuối tháng sau. Hai đợt còn lại, 750 triệu USD và 200 triệu USD sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2028. Tsinghua Unigroup là người bảo lãnh cho cả ba loại trái phiếu.

Khi Bắc Kinh chấp nhận để DNNN vỡ nợ trái phiếu

Hồi tháng trước, thông tin hàng loạt doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu đã làm chao đảo thị trường tín dụng, khiến các nhà đầu tư hoang mang. Hai vụ vỡ nợ trái phiếu tiêu biểu được nhắc tới là bên cạnh Tsinghua Unigroup là Tập đoàn than điện Yongcheng (Yongcheng Coal and Electric) và tập đoàn ô tô Huachen Automotive Group (đối tác liên doanh của BMW tại Trung Quốc). Đây đều là những doanh nghiệp được hậu thuẫn bởi chính quyền địa phương Trung Quốc.

Tsinghua Unigroup từng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp gửi gắm kỳ vọng của Bắc Kinh trong việc phát triển lĩnh vực chip dưới sức ép xung đột công nghệ ngày càng tăng từ Mỹ. Nhưng việc Bắc Kinh gần như bỏ mặc cho Tsinghua Unigroup vỡ nợ đang gửi đi những tín hiệu cảnh báo đến nhà đầu tư. Từ lâu, nhà đầu tư thường coi trái phiếu doanh nghiệp nhà nước như một lựa chọn an toàn vì đằng sau nó có sự ngầm hậu thuẫn của chính quyền. Giờ đây, sau hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu của các doanh nghiệp nhà nước như Tsinghua Unigroup thời gian qua, khái niệm ‘lựa chọn an toàn’ đang được giới đầu tư định nghĩa lại.

Các nhà phân tích từ CreditSights nhận định: “Thị trường một lần nữa được nhắc nhở rằng không phải tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều sẽ được nhà nước hậu thuẫn và bảo hộ… Các vụ vỡ nợ trái phiếu gần đây đã cho thấy chính phủ Trung Quốc có xu hướng chấp nhận các vụ vỡ nợ”, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi hậu đại dịch Covid-19.


NTTD
Cùng chuyên mục