Thâu tóm nhà sản xuất Lithium lớn nhất thế giới, một công ty Trung Quốc suýt vỡ nợ

05/12/2020 09:18 GMT+7
Tianqi Lithium Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới mới đây đã đạt được thỏa thuận với bên cho vay là ngân hàng quốc doanh Citic Bank để gia hạn hoàn trả khoản vay 1,88 tỷ USD đến hạn vào tháng 11 qua.
Thêm một doanh nghiệp Trung Quốc suýt vỡ nợ, được tạm cứu vào phút chót - Ảnh 1.

Tianqi Lithium là doanh nghiệp Trung Quốc vừa suýt vỡ nợ, được tạm cứu vào phút chót

Thỏa thuận gia hạn được ký vào phút chót đã cứu Tianqi Lithium khỏi một vụ vỡ nợ, nhưng các nhà quan sát chỉ ra rằng nó chỉ mang lại cho công ty này thêm thời hạn 1 tháng để giải quyết vấn đề tài chính nội tại.

Khoản nợ lớn của Tianqi Lithium bắt nguồn từ nỗ lực mua lại cổ phần tại đối thủ cạnh tranh SQM (Chile), nhà sản xuất Lithium lớn nhất thế giới năm 2018. Giá trị thương vụ lên tới 4,06 tỷ USD, phần lớn trong đó đến từ khoản vay hợp vốn 3,5 tỷ USD.

Theo một tuyên bố được đăng tải trên trang web chính thức của Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến, Tianqi và các công ty con của nó đã đệ trình một thông điệp xin gia hạn hoãn vay với Sở giao dịch này, theo đó hoãn thanh toán đến ngày 28/12 hoặc ngày thỏa thuận cho vay sửa đổi có hiệu lực, tùy điều kiện nào đến trước. Tianqi Lithium hiện chưa đưa ra chi tiết về những điều khoản sửa đổi thỏa thuận vay, nhưng cảnh báo việc không chấp thuận điều khoản mới có thể dẫn tới nguy cơ vỡ nợ cho một trong những tập đoàn lithium lớn nhất hành tinh.

Trong một tuyên bố chung, hội đồng quản trị Tianqi Lithium khẳng định vụ vỡ nợ có thể để lại nhiều hậu quả bao gồm nguy cơ bị đóng băng tài sản cũng như hệ lụy cho hoạt động sản xuất, quản lý và phát triển kinh doanh, đồng thời tạo thêm gánh nặng tài chính và áp lực dòng tiền cho toàn bộ doanh nghiệp. 

Tianqi Lithium cũng có nghĩa vụ trả lãi cho khoản vay trước ngày 10/12 tới đây. Nhưng tính đến cuối tháng 9, số liệu từ bảng cân đối kế toán cho thấy công ty này hiện chỉ còn lại 1,29 tỷ nhân dân tệ (197 triệu USD) tiền mặt.

Việc Tianqi Lithium mua lại cổ phần của SQM Chile (niêm yết trên sàn giao dịch New York) được xem là động thái gây chú ý vào hai năm trước, thời điểm mà giá lithium đang tăng cao do nhu cầu smartphone và xe điện tăng mạnh. Nhà sản xuất lithium Trung Quốc đã chấp nhận tỷ lệ premium lên tới 46% để trở thành cổ đông hàng đầu của SQM trong tham vọng dẫn đầu ngành công nghiệp lithium đang phát triển.

Tuy nhiên, sau thỏa thuận này, quyền lực của Tianqi Lithium trên tư cách đại cổ đông đã bị hạn chế do một thỏa thuận với cơ quan chống độc quyền Chile, quốc gia nơi SQM đặt trụ sở chính. Trong khi đó, gánh nặng tài chính từ các khoản vay để mua lại cổ phần càng lúc càng lớn.

Cơ quan xếp hạng Moody's Investors Service ban đầu xếp hạng đầu tư cho cổ phiếu của Tianqi, nhưng sau đó đã hạ cấp xuống trái phiếu rác ngay sau khoản đầu tư vào SQM. Vào đầu năm nay, Moody’s tiếp tục hạ cấp cổ phiếu Tianqi xuống hạng C.

Bên cạnh khoản vay trên đây, Tianqi Lithium còn cõng trên vai hơn 3 tỷ NDT nợ ngắn hạn sẽ đến hạn trong vòng 1 năm tới cùng hơn 13 tỷ NDT vay dài hạn và nợ trái phiếu mệnh giá 300 triệu USD sẽ đáo hạn vào tháng 11/2022.

Hồi tháng trước, hàng loạt vụ doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu đã làm chao đảo thị trường tín dụng, khiến các nhà đầu tư hoang mang. Ba cái tên tiêu biểu được nhắc tới là Tập đoàn than điện Yongcheng (Yongcheng Coal and Electric), nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup và tập đoàn ô tô Huachen Automotive Group (đối tác liên doanh của BMW tại Trung Quốc), đều là những doanh nghiệp được hậu thuẫn bởi chính quyền địa phương Trung Quốc. Nhưng nhìn chung, theo Fitch Ratings, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ vẫn thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp tư nhân. Cơ quan này chỉ ra rằng trong vòng 10 tháng đầu năm nay, đã có tới 20 công ty tư nhân vỡ nợ trái phiếu trong khi con số này ở khu vực kinh tế nhà nước chỉ là 5.


NTTD
Cùng chuyên mục