Loạt DNNN vỡ nợ trái phiếu: Trung Quốc thanh trừng 'doanh nghiệp zombie'

27/11/2020 15:11 GMT+7
Các vụ vỡ nợ trái phiếu của hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc thời gian qua đang khiến thị trường điêu đứng. Nhưng một số nhà phân tích chỉ ra rằng về lâu dài, làn sóng vỡ nợ trái phiếu này có thể là điều tích cực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Từ lâu, nhà đầu tư thường coi trái phiếu công ty quốc doanh như một lựa chọn an toàn vì đằng sau nó có sự ngầm hậu thuẫn của chính quyền. Nhưng sau hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu của các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, thị trường có lẽ phải suy nghĩ lại.

Tập đoàn than điện Yongcheng (Yongcheng Coal and Electric), nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup và tập đoàn ô tô Huachen Automotive Group (đối tác liên doanh của BMW tại Trung Quốc) là những cái tên mới nhất bước vào danh sách các doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ hoặc quá hạn trả nợ trái phiếu trong tháng qua.

Các nhà phân tích từ CreditSights nhận định: “Thị trường một lần nữa được nhắc nhở rằng không phải tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều sẽ được nhà nước hậu thuẫn và bảo hộ… Các vụ vỡ nợ trái phiếu gần đây đã cho thấy chính phủ Trung Quốc có xu hướng chấp nhận các vụ vỡ nợ. Các doanh nghiệp nhà nước không thuộc những ngành công nghiệp chiến lược có thể không được nhà nước giải cứu (trước nguy cơ vỡ nợ)”.

Loạt DNNN vỡ nợ trái phiếu: Trung Quốc thanh trừng 'doanh nghiệp zombie' - Ảnh 1.

Làn sóng DNNN vỡ nợ lại là tín hiệu tốt cho Trung Quốc?

Những công ty “zombie”

Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC gần đây đã cảnh báo rằng một số vấn đề của các doanh nghiệp lớn có thể gây ra rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế, bao gồm:

- Tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau khiến nợ tích lũy vượt quá khả năng trả nợ;

- Thiếu tính minh bạch trong hoạt động quản trị doanh nghiệp hoặc các giao dịch bóng tối;

- Dựa vào nguồn tiền đi vay để xoay vòng vốn và trả nợ

Các nhà phân tích của Jefferies nhận định những cảnh báo của PBOC có thể liên quan đến trường hợp vỡ nợ trái phiếu 1 tỷ NDT (151,9 triệu USD) của Tập đoàn than điện Yongcheng. Cũng theo nhóm này, các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước trong ngắn hạn có thể gây ra tổn thương tâm lý cho thị trường, nhưng về lâu dài, việc cho phép những “công ty xác sống” như vậy tồn tại sẽ gây bất lợi lớn cho hệ thống tài chính và nhà đầu tư. Đối với các ngân hàng, việc sớm loại bỏ các công ty có vấn đề tài chính sẽ cho phép họ xác định rủi ro và lựa chọn các tài sản thế chấp “chất lượng” để bù đắp rủi ro đó.

Đồng quan điểm, các chuyên gia từ CreditSights cho rằng các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước sẽ thanh lọc thị trường lành mạnh hơn, giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới trong nền kinh tế miễn là quá trình này được kiểm soát, tránh làn sóng vỡ nợ lan rộng.

Sẽ còn thêm nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu

Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ gần đây được cho là tuyên bố không khoan nhượng của các nhà chức trách Trung Quốc với những hành vi sai trái của các công ty phát hành trái phiếu. Ví dụ, trong vụ vỡ nợ của Tập đoàn than điện Yongcheng, Chính phủ Trung Quốc hiện đã mở cuộc điều tra cấp quốc gia về ba ngân hàng bảo lãnh cho khoản nợ trái phiếu do nghi ngờ gian lận.

Các chuyên gia từ CreditSights  nhận định: “Đây không phải lần đầu tiên các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước khiến thị trường dậy sóng, và đây chắc chắn cũng không phải lần cuối cùng. Chúng tôi tin rằng Trung Quốc có năng lực hoạch định chính sách để sớm đưa thị trường trở lại vùng nước lặng”.

Fitch Ratings thì nhận định số lượng doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu có khả năng tăng nhẹ vào năm 2021, khi các gói kích thích và cứu trợ kinh tế hậu dịch Covid-19 bị thắt chặt lại. “Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đang chuyển sang một chính sách tiền tệ trung lập hơn khi tăng trưởng kinh tế trở lại đà phục hồi sau dịch Covid-19. Chúng tôi dự kiến các gói kích thích kinh tế sẽ thắt chặt hơn vào đầu năm 2021”.

Nhưng nhìn chung, theo Fitch Ratings, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ vẫn thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp tư nhân. Cơ quan này chỉ ra rằng trong vòng 10 tháng đầu năm nay, đã có tới 20 công ty tư nhân vỡ nợ trái phiếu trong khi con số này ở khu vực kinh tế nhà nước chỉ là 5.


NTTD
Cùng chuyên mục