Đến năm 2025, tốc độ mạng 5G của Viettel sẽ nhanh cỡ nào so với hiện tại?
Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa kỷ niệm 15 năm chính thức kinh doanh dịch vụ thông tin di động (15/10/2004 - 15/10/2019).
Chính thức gia nhập thị trường thông tin di động vào ngày 15/10/2004 với tên thương hiệu Viettel Mobile và đầu số 098 cùng vốn liếng ít ỏi chỉ đủ để xây dựng hạ tầng di động cho khoảng 3 thành phố. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng chính thức kinh doanh, Viettel Mobile đã nhận được sự ủng hộ của 100.000 khách hàng - con số mà doanh nghiệp khác phải mất tới 12 tháng mới đạt được.
Chỉ thêm 3 năm sau đó, Viettel đã vươn lên trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần viễn thông di động, và chính thức cán mốc 20 triệu khách hàng vào năm (2008). Một mạng viễn thông “made by Viettel” thời điểm đó đã phủ khắp từ đất liền tới hải đảo, với quy mô chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
"Trong suốt 15 năm qua, Viettel gắn liền với tên tuổi nhà mạng tạo ra sự bùng nổ về viễn thông, công nghệ thông tin, góp phần đưa mật độ thâm nhập di động trên dân số, từ dưới 5% vào năm 2004 lên tới trên 100% nhanh chóng. Viettel đã bình dân hóa dịch vụ di động, giúp mọi người dân dù giàu hay nghèo, dù ở thành phố hay nông thôn, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo đều có thể dùng điện thoại di động để liên lạc, học tập nâng cao tri thức, giải trí,…
Không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước, Viettel còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thông tin liên lạc cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Nỗ lực của Viettel được ghi nhận bởi sự ủng hộ của 70 triệu khách hàng trên khắp Việt Nam cùng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế uy tín", Viettel cho biết trong một thông cáo nhân kỷ niệm 15 năm.
Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel, nhấn mạnh thêm: "Những thành tựu đạt được trong 15 năm qua là tiền đề vững chắc để Viettel Telecom tự tin khởi động một hành trình mới - hành trình chuyển dịch số. Theo đó, Viettel Telecom đặt mục tiêu trở thành một telco số có trải nghiệm khách hàng số 1 tại Việt Nam, tạo ra bùng nổ lần thứ 2 trong lĩnh vực di động nhằm đưa điện thoại thông minh tới 100% người dân và dịch vụ internet kết nối vạn vật - IoT chiếm 50% số lượng thiết bị kết nối tại Việt Nam vào năm 2025".
Bên cạnh đó, Viettel Telecom cho biết, họ sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng vùng phủ 4G, 5G để duy trì vị trí nhà mạng data lớn nhất, tốc độ cung cấp tới người dùng ở mức 1,5Gbps vào năm 2025, tức là gấp hàng trăm lần tốc độ 4G hiện tại.
“Để đạt được mục tiêu đó, Viettel Telecom cần chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng văn hóa số, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số cho khách hàng. Lấy khách hàng làm trung tâm, để cung cấp các dịch vụ số cả về chiều rộng và chiều sâu như: Truyền hình, dữ liệu đám mây, phân tích dữ liệu lớn, IoT, cung cấp dịch vụ nội dung số theo nhu cầu (Videos on Demand)... trên nền tảng công nghệ 4G, 5G”, ông Cao Anh Sơn nhấn mạnh.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel tin tưởng rằng, Viettel sẽ đạt được mục tiêu của mình, bởi đã thấy những con số rất tích cực, tiền đề cho nền tảng chuyển đổi số thành công. Cụ thể, tỉ lệ tăng trưởng data trong 3 năm gần đây đều ở mức trên 30%/năm, băng thông và lưu lượng người dùng liên tục tăng cao từ 3 - 5 lần, số lượng smartphone tăng rất nhanh, điều ấy có nghĩa là cả xã hội đã sẵn sàng và háo hức cho công cuộc chuyển đổi số, nhiệm vụ của Viettel là phải nhanh chóng tạo ra các nền tảng và dịch vụ số để đáp ứng yêu cầu đó.
“Chỉ một năm nữa thôi, chúng ta sẽ thấy Viettel Telecom sẽ thay đổi hoàn toàn cách bán hàng, cách phục vụ khách hàng theo hướng số hoá và online. Như vậy mỗi cán bộ, công nhân viên của tổng công ty phải tự chuyển đổi, tự số hoá chính mình để đáp ứng phương pháp kinh doanh mới”, ông Lê Đăng Dũng chia sẻ.
Cũng trong dịp này, để khởi động cho hành trình chuyển dịch số, Viettel đã chính thức ra mắt dịch vụ lưu trữ dữ liệu cá nhân trên nền tảng đám mây - Lifebox được tích hợp trên ứng dụng MyViettel và gửi tặng 70 triệu khách hàng của Viettel, mỗi khách hàng 5GB trên kho lưu trữ này. Bên cạnh việc giúp khách hàng lưu lại tất cả các khoảnh khắc kỷ niệm trong cuộc sống số, kho dữ liệu đám mây cá nhân Lifebox còn có thể lưu trữ được các dữ liệu khách hàng gửi lên từ các thiết bị IoT của mình (gồm video từ thiết bị camera giám sát an ninh tại hộ gia đình, thông tin lịch sử về nhiệt độ, độ ẩm từ các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm tại hộ gia đình hay thiết bị theo dõi chất lượng không khí…) để thuận tiện cho việc truy xuất, theo dõi và phân tích cho các nhu cầu sử dụng. Với dịch vụ lưu trữ đám mây, mục tiêu đến năm 2025 Viettel Telecom sẽ là đơn vị đứng đầu Việt Nam cả về thị phần, tiện ích và mức độ bảo mật. Dự báo sẽ có 40 triệu khách hàng sử dụng "đám mây" hàng ngày không chỉ cho mục đích lưu trữ mà còn là để trải nghiệm các dịch vụ IoT. |