Đi vay tiền cuối năm có dễ?

Lê Yến Thứ bảy, ngày 26/10/2019 14:29 PM (GMT+7)
Những tháng cuối năm, khách hàng có nhu cầu vay tiền để mua sắm. Tuy nhiên, năm nay lượng khách hàng đến ngân hàng vay tiền không tăng cao.
Bình luận 0

Giữa tháng 10/2019, gia đình bà Thư (Q.9, TP.HCM) ký hợp đồng vay tiền thế chấp tại ngân hàng Vietcombank hơn 3 tỷ đồng để trả tiền căn hộ mua trước đó. Ngoài ra, bà Thư còn cần vay thêm tiền để hoàn thiện nội thất để chuyển vào ở nhà mới trước tết âm lịch 2020.

Nhiều kênh để vay

Mức lãi suất ngân hàng duyệt cho gia đình bà Thư vay với tài sản thế chấp là căn hộ vừa mua với lãi suất 8,9%/năm trong hai năm đầu tiên, những năm sau lãi suất sẽ được điều chỉnh. Thời gian vay của bà Thư kéo dài 20 năm. Trên thị trường, lãi suất cho vay của Vietcombank được xem là mức thấp nhất trong số các ngân hàng.

Trong khi đó, gia đình bà Ngọc (Tân Phú, TP.HCM) muốn vay thêm ngân hàng khoảng 500 triệu đồng để mua một chiếc ô tô gần 1 tỷ đồng và dùng chính chiếc ô tô làm tài sản đảm bảo. Sau khi tìm hiểu, bà Ngọc được một nhân viên ngân hàng S. thông báo, nếu vay tiền mua ô tô lãi suất là 14%/năm, còn nếu vay cầm cố bằng tài sản như nhà đất lãi suất thấp hơn, khoảng 12%/năm. Với mức lãi trên, bà Ngọc vẫn chấp nhận vì đó cũng là mức lãi phổ biến trên thị trường.

Ngoài việc vay thế chấp bằng các loại tài sản, nhiều ngân hàng vẫn cho vay tiêu dùng bằng hình thức tín chấp, vay thông qua bảng lương… Nhưng mức lãi suất cho vay không thế chấp sẽ cao hơn, từ 20 - 24%/ năm tùy ngân hàng.

img

Khách hàng cá nhân giao dịch tại Eximbank. Ảnh: Diệp Đức Minh.

Không chỉ vay tiêu dùng ở các ngân hàng, nhiều cá nhân còn vay tiền qua các công ty tài chính, vay mua hàng trả góp ở các cửa hàng có liên kết với công ty tài chính. Tất nhiên lãi suất của các công ty tài chính sẽ cao hơn nhiều so với ngân hàng. Nhưng bù lại thủ tục, hồ sơ đơn giản và nhanh gọn. Dù mức lãi suất cho vay của các ngân hàng khá hấp dẫn nhưng không phải ai cũng vay được, đặc biệt là người không có tài sản thế chấp.

Ngân hàng dè dặt

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM chia sẻ, mặc dù ngân hàng vẫn tập trung cho vay tiêu dùng cá nhân nhưng hiện nay đang có dấu hiệu chậm lại. Đặc biệt việc cho vay mua nhà đất đang bị các ngân hàng siết chặt về quy định. Nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 đã sắp đụng trần do ngân hàng nhà nước quy định nên khá thận trọng trong việc cho vay tiêu dùng.

Dù chỉ mới qua nửa đầu năm 2019, nhưng một số ngân hàng như Techcombank đã tăng trưởng cho vay 16% (trong khi chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao cho cả năm 2019 là 17%). Cũng cùng thời gian trên, ngân hàng Quân đội và VPBank cho vay khách hàng gần 12% trong khi được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần lượt là 17% và 16%. TPBank ghi nhận tăng trưởng cho vay 15% sau 6 tháng, vượt chỉ tiêu ban đầu là 13%... Vì vậy các ngân hàng lớn không mạnh dạn mở rộng cho vay làm nhiều khách hàng cá nhân khó tiếp cận hơn.

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận định, nguồn vay vốn của khách hàng cá nhân luôn luôn ở mức cao. Tuy nhiên, vay tiêu dùng chủ yếu vẫn là nguồn tiền vay mua nhà, bất động sản. Từ đầu năm nay, Ngân hàng nhà nước đã phát đi động thái hạn chế dòng tiền cho vay vào lĩnh vực bất động sản. “Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ siết chặt hơn trong việc thẩm định hồ sơ vay vốn có liên quan. Đó là chưa kể với nhiều ngân hàng, “room” tín dụng sắp đụng trần, hoạt động cho vay bị hạn chế là tất yếu. Hiện nay, hạn mức tín dụng còn lại của ngân hàng chủ yếu để dành cho các doanh nghiệp, những khách hàng quen thuộc có lịch sử tín dụng tốt”, ông Hiển bình luận.

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem