Địa phương có sân bay sẽ mở nhanh cánh cửa với khu vực và thế giới

Thế Anh Thứ ba, ngày 11/10/2022 15:39 PM (GMT+7)
Ngày 11/10, tại tọa đàm "Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh" do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia đã phân tích sẻ nhiều ý kiến về việc các địa phương liên tiếp đề xuất quy hoạch sân bay.
Bình luận 0

Tư nhân hay Nhà nước đầu tư sân bay cần nhìn vào hiệu quả

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách, gấp đôi số lượng dự kiến cho cả năm 2022 là 70 - 80 triệu lượt hành khách.

Trong khi đó, cả nước mới đang có có 22 cảng hàng không đang hoạt động, trong đó nhiều cảng hàng không trong nước đã phải khai thác vượt công suất công bố như tại các nhà ga hành khách nội địa sân bay Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh…

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) này cho rằng, bên cạnh sân bay Long Thành đang được khẩn trương xây dựng, thì Việt Nam cần có thêm các sân bay nhỏ.

Địa phương có sân bay sẽ mở nhanh cánh cửa với khu vực và thế giới - Ảnh 1.

Sân bay Vân Đồn đang phát huy hiệu quả từ việc đầu tư tư nhân. Ảnh: D.N

Các sân bay này ngoài phục vụ nhu cầu di chuyển hành khách và hàng hóa, còn là bộ đệm dự phòng cho các sân bay lớn, giúp thúc đẩy kinh tế địa phương, phục vụ an ninh quốc phòng cũng như thực hiện các chức năng khác hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, phòng chống cháy rừng…

Tại buổi Tọa đàm "Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh", ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sân bay nhỏ sẽ mang lại cơ hội tiếp cận, mở đường cho sự phát triển của các địa phương và kết nối hàng không tạo điều kiện để khai phá tiềm năng phát triển kinh tế.

Đề đầu tư sân bay nhỏ, ông Vịnh cho rằng: "Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm rõ, khái niệm thế nào là sân bay nhỏ vì muốn định vị chính sách thì phải định nghĩa rõ ràng".

"Phương thức đầu tư sân bay do Nhà nước hay tư nhân? hay hợp tác công-tư (PPP), trong đó hiệu quả đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành sẽ quyết định việc đầu tư", ông Vinh đặt vấn đề.

Theo ông Vịnh, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước thiếu hụt nên việc hạn chế sử dụng nguồn lực đầu tư sân bay từ các nhà đầu tư tư nhân tham gia là quyết định, hướng đi đúng, tạo hiệu quả cho các sân bay.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, lâu nay sân bay chỉ có Nhà nước mới được làm vì là an ninh quốc phòng, tư nhân hoàn toàn bị loại, nhưng sân bay Vân Đồn là bước thay đổi quan trọng.

"Tư nhân được làm những công trình như vậy có tính chất bước ngoặt, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để thay đổi tư duy phát triển hàng không", ông Thiên đánh giá cao việc tư nhân xây sân bay.

Ông Thiên cho hay: "Các địa phương liên tục xin bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư các sân bay lưỡng dụng, quy mô nhỏ là nhu cầu có thực, khác xa kiểu đầu tư theo phong trào trong giai đoạn trước đây. Việc có sân bay còn giúp các địa phương đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông mở ra nhanh cánh cửa với khu vực và thế giới.

Địa phương có sân bay sẽ mở nhanh cánh cửa với khu vực và thế giới - Ảnh 2.

Sân bay địa phương sẽ tối ưu hoá phát triển kinh tế. Ảnh: CTV

Sân bay địa phương tối ưu hoá vận tải

Là công ty thiết kế và quy hoạch sân bay, ông Mick Werson, chuyên gia kinh tế trưởng và Tư vấn tài chính của Công ty tư vấn sân bay Hà Lan đánh giá những sân bay nhỏ không chỉ có chức năng như một trung chuyển trực tiếp cho các sân bay lớn trong mạng lưới tối ưu hóa vận tải mà còn là sân bay dự phòng chiến lược trong trường hợp các sân bay lớn bị quá tải.

Bên cạnh chức năng kết nối, các sân bay nhỏ khi được quản lý hợp lý có thể tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp về lợi nhuận cho các nhà khai thác và nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch phát triển, tạo nguồn thu thuế cho Nhà nước.

Cũng theo ông Mick Werson cho rằng, nhiều sân bay có thể cùng tồn tại gần nhau và khi cạnh tranh lành mạnh góp phần tạo ra trạng thái cân bằng hoạt động và có những tình huống không như vậy.

Góp ý về việc đầu tư sân bay nhỏ, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, sân bay không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế có lỗ hay lãi mà còn có lợi ích trực tiếp và lợi ích gián tiếp từ phát triển kinh tế - xã hội nên quyết định bổ sung vào quy hoạch, hay ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, cơ quan thẩm quyền cần nhìn tổng thể, không chỉ nhìn vào mỗi dự án cụ thể.

Ông Hiếu kiến nghị khi quyết định phát triển một dự án hàng không thì các địa phương nên tham vấn từ sớm các chuyên gia về hàng không và nhà đầu tư xây dựng cụm cảng hàng không.

"Các địa phương cần tính toán kỹ, thực chất về việc đầu tư sân bay để giảm thiểu tối đa những rủi ro; trong đó cự ly giữa các sân bay tỉnh, thành chỉ là một trong các yếu tố để cân nhắc chứ không phải là yếu tố loại trừ", ông Hiếu đưa ra quan điểm với các địa phương.

Cũng theo ông Hiếu, bài toán vĩ mô hơn là quy hoạch tổng thể quốc gia. Hiện nay, đã có tiêu chí về quy hoạch xây dựng sân bay nhưng cần phải có thêm các tiêu chí minh bạch hơn trong việc xác minh tính ưu tiên, để các địa phương khi đề xuất nếu không được cấp phép đồng thời sẽ không bị ấm ức.

Đồng thời, quy hoạch cần sớm thông qua để địa phương căn cứ triển khai đồng thời Nhà nước cũng cần có chính sách để thúc đẩy phát triển cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem