Quảng Ninh lấy đầu tư công để dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2025

Thu Lê
28/02/2025 06:50 GMT +7
Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 14%. Đầu tư công được xác định là động lực then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá mạnh mẽ.

Đầu tư công là vốn mồi, động lực tăng trưởng, dẫn dắt nền kinh tế

Năm 2025, trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt 14%, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã Xác định đầu tư công là một trong những động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phải hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn bố trí năm 2025 trong thời gian sớm nhất. Khẩn trương hoàn thành dứt điểm trong năm 2025 đối với các dự án, công trình chậm tiến độ giai đoạn trước. Đẩy nhanh triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Đồng thời, chủ động nghiên cứu, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án mới để phân bổ, giải ngân nguồn tăng thu ngân sách nhà nước ngay trong năm 2025 (như Dự án nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn qua Quảng Ninh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ).

Dự án Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh phải hoàn thành trong quý II/2025 để chào mừng Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Ảnh: Thu Lê

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, với sự tích cực, chủ động đến từ các chủ đầu tư và đơn vị nhà thầu nên hết tháng 1/2025, giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 250 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch vốn. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt 155 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch vốn năm; vốn ngân sách huyện giải ngân đạt 95 tỷ đồng, đạt 4% kế hoạch vốn năm. Kết quả giải ngân này tạm chấp nhận được, do thời điểm tháng 1/2025 vẫn là thời gian thực hiện thanh quyết toán vốn đầu tư công năm 2024. Đồng thời, đây cũng là thời điểm chuẩn bị cho nghỉ Tết Nguyên đán.

Để việc giải ngân vốn đầu tư công có tiến độ tốt nhất, tỉnh sẽ tập trung rà soát tất cả các điểm nghẽn, nút thắt để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ, khơi thông, giải phóng toàn bộ nguồn lực. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tập trung giải quyết ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương như quy hoạch, vật liệu san lấp, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,... nhằm thúc đẩy triển khai toàn bộ công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là phải ưu tiên xử lý đối với các dự án có thể triển khai được ngay trong năm 2025 khi hoàn thành các thủ tục hành chính của tỉnh. Song song là tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài đối với các dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí theo chỉ đạo của Trung ương.

Mặt khác, đối với nguồn vốn ngân sách địa phương chưa phân khai, tỉnh sẽ có sự giám sát, đốc thúc để hạn chế thấp nhất tình trạng “Đầu năm ghi vốn - giữa năm điều vốn - cuối năm trả vốn”, không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Tích cực đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Văn Nhân – Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata (Tập đoàn Amata) - chủ đầu tư KCN Sông Khoai, tại Khu kinh tế ven biển Quảng Yên cho biết: “Từ đầu năm đến này, chúng tôi đã được tham gia ít nhất 5 cuộc họp của UBND tỉnh về việc tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Hiện, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tốc độ thu hút đầu tư của KCN Sông Khoai là vấn đề giải phóng mặt bằng. Nhưng tôi tin, với việc tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Phó thủ tịch thường trực UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo vấn đề giải phóng mặt bằng tại thị xã Quảng Yên, chúng tôi sẽ đạt kết quả thu hút đầu tư tốt hơn năm 2024”.

KCN Sông Khoai nằm trong KKT Ven biển Quảng Yên có tốc độ lấp đầy rất nhanh. Ảnh: ĐVCC

Cùng với thu hút dòng vốn FDI, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ chất lượng cao, phát triển các sân golf theo quy hoạch. Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cảng biển (Vạn Ninh, Nam, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc) và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; thu hút đầu tư cảng Con Ong - Hòn Nét.

Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới

Trong năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW về tạo đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, kinh tế biển, kinh tế di sản, kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng và các ngành, lĩnh vực mới nổi.

Quảng Ninh đã xác định phát triển kinh tế số sẽ là một trong tâm, và là trụ cột kinh tế mới của tỉnh. Tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP. Để đạt được điều này, Quảng Ninh đang thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất, đồng thời phát triển thương mại điện tử và các dịch vụ số.

Quảng Ninh nghiên cứu các dự án đầu tư hạ tầng một cách tổng thể nhằm phát triển đô thị khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục. Ảnh: Thu Lê

Cùng với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị cần chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn. Trong đó, nghiên cứu các dự án đầu tư hạ tầng một cách tổng thể nhằm phát triển đô thị khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục; từ đó, gia tăng lợi thế của đô thị TP Hạ Long trong thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Đây được xác định là động lực phát triển rất quan trọng trong giai đoạn 2026 – 2030.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Kết quả tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh phải bảo đảm mỗi bước tăng trưởng kinh tế bền vững đều đi đôi với nâng cao chất lượng an sinh xã hội, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Tiếp tục thực hiện tốt 4 chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với các nghị quyết chương trình, kế hoạch của tỉnh. Hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh.