Dịch Covid-19 phức tạp: Tăng thương lượng tập thể, hỗ trợ công nhân

Thùy Anh Thứ hai, ngày 26/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, tranh chấp, đình công trong công nhân lao động cũng gia tăng. Trước tình hình đó, các cấp công đoàn Hà Nội đã tăng hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc cho công nhân, lao động.
Bình luận 0

Mới đây, trong hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.Hà Nội đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và lao động thực hành quan hệ lao động hài hòa.

Hơn 165.000 lao động mất việc, thiếu việc

Ông Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch LĐLĐTP.Hà Nội, cho biết, trong thời gian qua, công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo quyền lợi, cho công nhân lao động. Công đoàn cũng đại diện tập thể người lao động tham gia xây dựng các nội quy, quy chế của doanh nghiệp, như: Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng.

Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội, cho biết: "Thời gian qua, LĐLĐ phối hợp Sở LĐTBXH, Bảo hiểm xã hội, thanh tra thành phố… đã thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật An toàn, vệ sinh lao động với số lượng từ 200 - 250 đơn vị, doanh nghiệp/năm, phối hợp giải quyết các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đảm bảo quyền lợi của lao động".

Tăng thương lượng tập thể, hỗ trợ công nhân  - Ảnh 1.

Lãnh đạo Công ty Canon Việt Nam đối thoại với công nhân lao động về chế độ phúc lợi. Ảnh: N.T

"Việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể vẫn chưa thực sự được cả người sử dụng lao động và người lao động quan tâm, vẫn còn nhiều hạn chế và ít nhiều hình thức".

Bà Phan Thị Thu Hằng

Năm 2020 và đầu năm 2021, dịch bệnh khiến trên 165.000 công nhân lao động ở Hà Nội mất việc làm, thiếu việc làm, phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút. LĐLĐ TP.Hà Nội đã xây dựng kịch bản ứng phó sớm với diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể xảy ra và có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tăng thương lượng tập thể

Bà Phan Thị Thu Hằng - Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho rằng, một bản thỏa ước lao động tập thể có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, đến nay việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể vẫn chưa thực sự được cả người sử dụng lao động và người lao động quan tâm, vẫn còn nhiều hạn chế và ít nhiều hình thức" - bà Phan Thị Thu Hằng cho biết. Đây là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự ổn định và quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, nhất là liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ.

Ông Trịnh Quốc Cường - Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10/10 cho rằng, về quy định nguồn thu của công đoàn cơ sở từ 2 nguồn chính là đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng và từ phần trích của doanh nghiệp, nhưng với 2 nguồn thu này thì công đoàn cơ sở cũng không đủ nguồn lực tài chính để lo cho các hoạt động. Do đó, các công đoàn cơ sở muốn làm tốt được nhiệm vụ thì trước hết phải gắn kết với lãnh đạo doanh nghiệp, tranh thủ được sự ủng hộ quan tâm của ban lãnh đạo doanh nghiệp cho công tác công đoàn.

Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động cho rằng, do dịch Covid-19, tình trạng giãn việc, mất việc, thu nhập giảm khiến nhiều công nhân lao động lao đao. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ tạm dừng hoạt động, giải thể, ngừng hoạt động khá nhiều. Nếu không làm tốt công tác thương lượng tập thể thì tranh chấp lao động có thể khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, kéo theo tình hình mất an ninh trật tự ở các khu công nghiệp, dân cư.

Ông Quảng đề xuất, các cấp công đoàn thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động, người lao động về thỏa ước lao động tập thể. Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp... đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem