Hãng thời trang 200 tuổi Brooks Brothers và loạt DN Mỹ đã "ngã ngựa" ra sao trong dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Chỉ trong vài tuần, hàng loạt doanh nghiệp từ hãng dầu khí tỷ đô cho đến hãng thời trang hàng trăm năm tuổi đệ đơn xin bảo hộ phá sản do “mất máu” quá nhiều trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Trong số những cái tên đó có cả loạt thương hiệu đình đám từ Neiman Marcus, J Crew, Gold’s Gym, công ty dầu đá phiến lớn nhất nhì nước Mỹ Chesapeake Energy và mới đây nhất là trường hợp của thương hiệu thời trang lâu đời nhất nước Mỹ Brooks Brothers.

Chuyên gia Edward Altman từ Stern Business School từng nhận định có tới 8% các công ty bị xếp hạng tín nhiệm thấp có nguy cơ vỡ nợ trong 12 tháng tới, tương đương 165 tập đoàn lớn với vốn lưu động trên 100 triệu USD có nguy cơ phá sản từ nay đến cuối năm. Tỷ lệ này có thể tăng lên 20% trong 24 tháng tới.

Trong khi nền kinh tế Mỹ đang quằn quại vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, các quốc gia khác trên toàn cầu cũng trải qua thảm cảnh tương tự. Tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, thống kê của Chính phủ từ tháng 2/2020 đến tháng 5/2020 cho thấy đã có tới 140 công ty tuyên bố phá sản. Brazil, một trong những quốc gia có ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới vừa mất hãng hàng không Latam Airlines. Đây từng là hãng hàng không lớn thứ hai toàn cầu tính theo giá trị thị trường khoảng 8 năm về trước, và cho đến trước dịch Covid-19 vẫn là hãng hàng không lớn bậc nhất khu vực Mỹ Latinh. 

Dưới đây là 5 trường hợp phá sản do dịch Covid-19 đáng chú ý nhất tại Mỹ cho đến thời điểm hiện tại. 

Hãng thời trang 200 tuổi Brooks Brothers và loạt DN Mỹ đã "ngã ngựa" ra sao trong dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Hôm 8/7 (giờ Mỹ), thương hiệu thời trang lâu đời nhất nước Mỹ Brooks Brothers gây sốc khi đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 luật Phá sản của Mỹ. Trả lời phỏng vấn trên mặt báo, phát ngôn viên của Brooks Brothers tuyên bố doanh nghiệp này từng cân nhắc nhiều quyết định bao gồm cả bán thương hiệu, nhưng rồi quyết định chọn phá sản để tái cơ cấu trong bối cảnh kết quả kinh doanh bết bát vì đại dịch Covid-19.

Hàng loạt cửa hàng Brooks Brothers xa xỉ trên khắp nước Mỹ và Canada

Brooks Brothers được thành lập bởi Henry Sands Brooks năm 1818 tại New York và hiện sở hữu hơn 200 cửa hàng, địa điểm kinh doanh khắp Bắc Mỹ. Thương hiệu này từng cung cấp trang phục cho 40 đời Tổng thống và là một trong những cái tên danh giá bậc nhất trong ngành công nghiệp thời trang của Mỹ.

Tin đồn Brooks Brothers chuẩn bị phá sản đã xuất hiện từ tháng 6 khi có thông tin lan truyền trên mặt báo rằng 3 nhà máy đã phải đóng cửa, ngừng sản xuất vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, doanh thu và lợi nhuận của Brooks Brothers cũng đã có dấu hiệu giảm sút do người dùng ngày càng ưa thích trang phục thoải mái, trong khi thương hiệu này vốn nổi tiếng với các trang phục vest, suit trang trọng.

Hãng thời trang 200 tuổi Brooks Brothers và loạt DN Mỹ đã "ngã ngựa" ra sao trong dịch Covid-19? - Ảnh 4.

NPC International, đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng Pizza Hut lớn nhất nước Mỹ cũng nộp đơn xin tự nguyện phá sản theo Chương 11 luật Phá sản của Mỹ hôm 30/6.

NPC International mở cửa hàng Pizza Hut đầu tiên tại Mỹ vào năm 1962. Doanh nghiệp này hiện quản lý và chịu trách nhiệm vận hành chuỗi hơn 1.200 cửa hàng Pizza Hut và gần 400 nhà hàng Wendy’s tại Mỹ. Số cửa hàng Pizza Hut do doanh nghiệp này vận hành hiện chiếm tới 17% trong tổng số các cửa hàng Pizza Hut trên toàn nước Mỹ. Thời điểm nộp đơn xin bảo hộ phá sản, NPC International có 40.000 người lao động. 

Hãng thời trang 200 tuổi Brooks Brothers và loạt DN Mỹ đã "ngã ngựa" ra sao trong dịch Covid-19? - Ảnh 5.

Dịch Covid-19 và hàng loạt nguyên nhân như giá nguyên liệu tăng vọt đã gây ra khoản nợ nần lên tới 1 tỷ USD cho gã khổng lồ ngành thực phẩm. NPC International đang thương thảo để giãn nợ và xem xét phương án tái cấu trúc nợ sau tuyên bố phá sản.

Không riêng NPC International, nhiều ông lớn ngành thực phẩm khác cũng đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và phá sản khi dịch Covid-19 kéo dài tại Mỹ khiến người tiêu dùng buộc phải chôn chân tại nhà, làm giảm mạnh nhu cầu ăn uống ở nhà hàng.

Hãng thời trang 200 tuổi Brooks Brothers và loạt DN Mỹ đã "ngã ngựa" ra sao trong dịch Covid-19? - Ảnh 6.

Chesapeake Energy nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên Toà án Phá sản Mỹ (quận South Texas) hôm 28/6, gây ra một cú sốc lớn với thị trường năng lượng Mỹ. Theo tài liệu phá sản trình lên tòa án, Chesapeake Energy báo cáo thống kê tài sản và trách nhiệm trong khoảng 10-50 tỷ USD với hơn 100.000 chủ nợ.

Chesapeake Energy là nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, khi nó đè bẹp nhu cầu năng lượng toàn cầu và dồn nhiều nhà khai thác dầu đá phiến tại Mỹ vào đường cùng. Trước Chesapeake Energy, một trong những gã khổng lồ ngành dầu đá phiến Mỹ khác là Whiting Petroleum Corp cũng nộp đơn phá sản theo Chương 11 luật Phá sản vào đầu tháng 4/2020, khi giá dầu rớt thảm do chiến tranh giá dầu Nga - Saudi Arabia kết hợp với sức ép từ nhu cầu dầu giảm sâu.

Hãng thời trang 200 tuổi Brooks Brothers và loạt DN Mỹ đã "ngã ngựa" ra sao trong dịch Covid-19? - Ảnh 7.

Doug Lawler, CEO Chesapeake Energy, người đã chiến đấu nhiều năm để đưa gã khổng lồ dầu khí Mỹ thoát gánh nặng nợ trước khi phá sản vì Covid-19

Khoảng hơn một thập kỷ trước, Chesapeake Energy là gã khổng lồ trong ngành khí đốt của Mỹ với giá trị thị trường ước tính 37,5 tỷ USD. Chesapeake Energy cũng là một trong những lá cờ tiên phong trong cuộc cách mạng đưa ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ dẫn đầu thị trường toàn cầu, vượt mặt cả các đại gia dầu khí như Nga và Saudi Arabia. Đây cũng chính là doanh nghiệp đã hỗ trợ các khoản tiền kếch xù cho người dân Forth Worth để khai thác mỏ dầu đá phiến đầu tiên của Mỹ tại Bắc Texas.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giáng đòn đau vào đế chế Chesapeake Energy khi nhu cầu trích xuất dầu lao dốc, đưa giá dầu giảm không phanh. Các nhà đầu tư tháo chạy khỏi Chesapeake Energy, cổ phiếu công ty gần như không thể phục hồi suốt một khoảng thời gian dài. Ban lãnh đạo Chesapeake Energy sau đó đã tìm cách vực dậy doanh nghiệp bằng cách chuyển sang hoạt động khai thác dầu vào thời điểm Mỹ vươn lên thành nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nhưng cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã dập tắt những tia sáng, buộc Chesapeake phải nộp đơn phá sản trong cay đắng.

Hãng thời trang 200 tuổi Brooks Brothers và loạt DN Mỹ đã "ngã ngựa" ra sao trong dịch Covid-19? - Ảnh 8.

Hertz Global Holdings nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản lên tòa án bang Delaware hôm 22/5 sau khi lệnh hạn chế di chuyển và phong tỏa các bang tại Mỹ gây thiệt hại quá lớn cho hoạt động kinh doanh.

Hertz được thành lập năm 1918 tại Chicago với tên gọi ban đầu là Rent-a-Car. Hãng này từng “sống tốt” qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử như Đại suy thoái 1930, khủng hoảng tài chính 2008, các cú sốc giá dầu… Đến cuối tháng 2/2020, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, hãng có 12.400 chi nhánh, công ty con trên toàn thế giới với kết quả kinh doanh ấn tượng. Hertz báo cáo doanh thu kỷ lục 9,8 tỷ USD cho năm tài chính 2019. Nhưng chỉ sau 2 tháng chịu đựng lệnh phong tỏa các bang để kiềm chế sự lây lan dịch Covid-19, gã khổng lồ ngành dịch vụ thuê xe của Mỹ đã gần như “chết đứng”.

Các quầy dịch vụ Hertz ngừng hoạt động nhiều tháng liền do nhu cầu thuê xe giảm mạnh

Từ tháng 3, hãng này đã tiến hành sa thải nhân viên để giảm thiểu tối đa chi phí vận hành khi nhu cầu thuê xe chững lại trên hầu khắp các thị trường. Đến cuối tháng 4, Hertz tuyên bố mất khả năng thanh toán các hợp đồng tài chính. Cuối cùng, sau 1 tháng cân nhắc, công ty tuyên bố không đủ duy trì thanh khoản đến khi nền kinh tế phục hồi trở lại, ngay cả khi có triển vọng từ một gói giải cứu do Bộ Tài chính Mỹ cung cấp.

Hertz cho hay hãng vẫn còn 1 tỷ USD tiền mặt nhưng con số này là không đủ để duy trì hoạt động vận hành của chừng ấy chi nhánh trên toàn cầu trong khi doanh thu gần như bằng 0. Theo các tài liệu đệ trình lên tòa án thời điểm cuối tháng 5, Hertz đang cõng gánh nặng nợ tới 24,4 tỷ USD, trong đó các chủ nợ lớn nhất là IBM và Lyft. 

Hãng thời trang 200 tuổi Brooks Brothers và loạt DN Mỹ đã "ngã ngựa" ra sao trong dịch Covid-19? - Ảnh 10.

Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn chí mạng vào thương hiệu bán lẻ lớn thứ hai nước Mỹ Neiman Marcus, khiến công ty này phải nộp đơn phá sản hôm 7/5 sau nhiều tháng trời quằn quại vì doanh thu giảm mạnh.

Với tuổi đời 112 năm, Neiman Marcus từng là thương hiệu bán lẻ xa xỉ bậc nhất nước Mỹ. Nó khởi phát từ một trung tâm thương mại tại thành phố Dallas, Texas và có thời điểm điều hành hàng trăm cơ sở với hơn 14.000 nhân viên. Làn sóng khai thác dầu mỏ bùng nổ đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân Texas, biến nơi đây thành trung tâm xa xỉ hàng đầu nước Mỹ và cũng vô hình chung đưa Neiman Marcus thành thương hiệu bán lẻ danh tiếng. Những chiếc đầm dạ hội trị giá 5.000 USD hay túi hiệu thiết kế riêng 3.000 USD bán tại trung tâm thương mại Neiman Marcus từng có thời gian dài trở thành “mốt” trong giới đại gia Mỹ. 

Neiman Marcus từng là thương hiệu bán lẻ xa xỉ bậc nhất nước Mỹ

Tuy nhiên, xu hướng mua sắm trực tuyến nở rộ trong vài năm gần đây đã khiến các trung tâm thương mại như Neiman Marcus dần “thất thế”. Và cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 buộc chính phủ Mỹ tuyên bố đóng cửa các trung tâm thương mại suốt nhiều tuần liền chính là đòn giáng chí mạng buộc Neiman Marcus nộp đơn phá sản khi khoản nợ ròng lên tới 5,1 tỷ USD.

Với việc xin bảo hộ phá sản như vậy, Neiman Marcus đang tìm cách xóa khoản nợ 4 tỷ USD bằng cách đưa các chủ nợ trở thành chủ sở hữu thương hiệu. Sau tuyên bố phá sản, các chủ nợ Neiman Marcus đã đồng ý cấp vốn thêm 675 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc. 

Geoffroy van Raemdonck - CEO Neiman Marcus cho hay: “Doanh nghiệp của chúng tôi vẫn đang hoạt động thuận lợi trước khi đại dịch Covid-19 xảy đến. Mọi thứ vẫn tốt đẹp ngoại trừ khoản nợ khổng lồ gây ra số lãi lớn phải trả. Nhưng dịch bệnh đã đưa tình hình chệch khỏi quỹ đạo, dẫn đến tình trạng mất khả năng trả nợ. Đây là thời điểm để chúng tôi tái thiết lập cấu trúc tài chính doanh nghiệp”.

Hồi tháng 4/2020, Goldman Sachs từng đưa ra một dự báo đáng sợ rằng hơn 550 tỷ trái phiếu doanh nghiệp Mỹ sẽ biến thành trái phiếu rác từ nay đến tháng 10/2020, qua đó đưa thị trường trái phiếu rác phình to tới 40%. Viễn cảnh này đang dẫn trở thành hiện thực, khi tới 2/3 lượng trái phiếu phi tài chính ở Mỹ hiện nay được đánh giá tại mức BBB, gần với trái phiếu rác. Trong khi Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn tại Mỹ tiến gần hơn tới con đường phá sản.
Hãng thời trang 200 tuổi Brooks Brothers và loạt DN Mỹ đã "ngã ngựa" ra sao trong dịch Covid-19? - Ảnh 13.