Dịch tả lợn châu Phi kéo tụt đà tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp
Ngày 28/6, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm.
Theo Bộ NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 19,77 tỉ USD, tăng 2,2% nhưng mức tăng đã chậm lại so với cùng thời điểm 2018.
Trong đó, nhóm hàng nông sản chính ước đạt 9,28 tỉ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 320 triệu USD, tăng 4,6%.
Đặc biệt, nhóm ngành lâm sản có mức tăng trưởng mạnh nhất khi ước đạt 5,23 tỉ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, sản xuất ngành nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, ước đạt 2,71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết 6 tháng đầu năm nay thực sự là giai đoạn khó khăn, thách thức của toàn ngành nông nghiệp trong thực hiện chỉ tiêu của Chính phủ trong năm nay.
Thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh, nhất là đối với các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu. Xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng đang tác động trực tiếp đến các thị trường nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Còn ở trong nước, trong lịch sử ngành chăn nuôi của Việt Nam chưa khi nào lại chịu sự tác động của một dịch bệnh phức tạp, gây thiệt hại lớn như dịch tả lợn châu Phi.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết dịch tả lợn châu Phi đã và đang xuất hiện ở 60 tỉnh, thành phố với trên 2,8 triệu con lợn đã bị tiêu hủy. Cho đến nay, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại và đang có xu hướng lây lan nhanh ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) thông tin thêm trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 1,8 triệu tấn, đã giảm 4,7% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, thiệt hại lớn từ dịch tả lợn châu Phi khiến đà tăng trưởng của toàn ngành bị suy giảm. “Nếu không có thiệt hại dịch tả lợn châu Phi thì mức tăng trưởng của toàn ngành 6 tháng đầu năm có thể đạt tới 3 - 4%, chứ không chỉ tăng 2,71% như hiện nay”, ông Việt nói.