Điểm chuẩn tăng vọt: Điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng không phù hợp phân loại thí sinh?

Tào Nga Thứ năm, ngày 23/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Nhiều thí sinh lo ngại điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT trong 2 năm qua quá cao, sức cạnh tranh lớn nên đang tìm những phương thức xét tuyển khác.
Bình luận 0

Theo thống kê, mùa tuyển sinh năm 2021, có tới hơn 10 phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường đại học áp dụng. Có thể kể đến các phương thức là Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển của Bộ GDĐT; xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét học bạ; xét điểm thi tốt nghiệp; xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế; xét kết hợp học bạ và thi tuyển năng khiếu... Trong đó có trường đồng thời áp dụng đến 6 phương thức khác nhau. 

Nhiều phương thức xét tuyển giúp cho thí sinh có thêm lựa chọn nhưng số chỉ tiêu tuyển cố định phải chia nhỏ cho từng phương thức khiến cuộc cạnh tranh vào đại học trở nên căng thẳng hơn. 

Trao đổi với PV báo Dân Việt về các phương thức xét tuyển đại học hiện nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: "Trước kia chúng ta có kỳ thi 3 chung, sau đó chuyển sang xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm 2018, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi giao quyền tuyển sinh cho các trường và kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp. Đáng lẽ các trường sẽ có phương án tổ chức tuyển sinh riêng nhưng do chưa chuẩn bị kịp nên các trường áp dụng các phương thức xét tuyển như học bạ, chứng chỉ quốc tế...".

Điểm chuẩn xét tuyển thi tốt nghiệp THPT tăng vọt, xu hướng phương thức xét tuyển năm sau thế nào? - Ảnh 1.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Ảnh: NVCC

Nhận xét về phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: "Năm nay tỷ lệ điểm thi tốt nghiệp THPT tăng lên do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, số lượng thí sinh dự thi tăng vọt so với năm trước (xấp xỉ 11%), trong khi chỉ tiêu không có sự tăng đột biến. 

Thứ hai, các đơn vị đào tạo cũng tự chủ trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi THPT như xét học bạ, đánh giá năng lực và không ít trường có đến gần 50% thí sinh trúng tuyển. Điều này khiến tỷ lệ chọi theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng lớn và đẩy điểm trúng tuyển lên cao. 

Thứ ba, đề thi thi tốt nghiệp THPT nhìn chung được điều chỉnh dễ hơn so với những năm trước đây. Cá biệt, có những tổ hợp tổng số bài thi đạt điểm giỏi tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn Tiếng Anh, Ngữ văn, hoặc Ngữ văn, Địa lý, GDCD… Điều này khiến các trường khó xét tuyển. 

Ngoài ra, ở một số ngành tăng mạnh, thu hút thí sinh vì những ngành đó hứa hẹn khả năng cao có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Với tình hình đề thi và kết quả điểm như đã thống kê ở trên cho thấy, điểm thi THPT ngày càng tỏ ra không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển đại học, nhất là với các ngành hot, trường hot. Tuy nhiên, cũng cần phải nói, việc dùng "2 trong 1" chỉ là phương án tạm thời vận dụng để xét tuyển đại học trong thời điểm giao thời khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi mới ban hành và nhiều trường đại học chưa tổ chức được kỳ thi tuyển sinh đại học riêng".

Về phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận xét: "Việc đổi mới tuyển sinh đại học vô cùng cấp thiết. Song các trường tự tuyển sinh gây ra khó khăn vì không có mặt bằng chung để đánh giá và bất cập vì có những thay đổi trong học vụ như chuyển trường, chuyển ngành. Ví dụ 2 trường cùng tổ chức tuyển sinh nhưng 1 trường lấy 24 điểm và 1 trường lấy 30 điểm, điều này không có nghĩa là trường 30 điểm giỏi hơn. Như vậy khi chuyển ngành dễ nảy sinh tiêu cực.

Lâu dài cần phải có trung tâm khảo thí độc lập như 2 Đại học Quốc gia và một số đại học khác đang làm. Những trung tâm này phải có sự cầm trịch ma trận chuẩn đầu ra, ma trận kiến thức, độ khó - dễ và có sự chuyển đổi tương đương với Bộ GDĐT, có sự đánh giá của Bộ GDĐT phù hợp với chương trình đào tạo".  

Về phương thức xét tuyển học bạ và chứng chỉ quốc tế GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: "Trên thực tế có sự tương đồng rất tốt giữa học bạ và thi tốt nghiệp THPT. Tôi không đánh giá cao phương thức đánh giá học bạ vì có trường 100% học lực giỏi. Phương thức này không phản ánh đúng năng lực, có sự nới điểm của các giáo viên chứ không chặt chẽ như trước. Và phương thức này cũng dễ gây ra tiêu cực. Đây chỉ là phương thức tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh.

Phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế như A-Level, SAT, ACT rất tốt, đánh giá khách quan. Những em có chứng chỉ cao thì cho thấy trình độ tiếng Anh cao và có sự chuẩn bị khá tốt. Không phải ngẫu nhiên mà một số trường ở Singapore và Nhật Bản cũng áp dụng xét tuyển kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT. Đây là điểm lợi thế của các thí sinh ở thành phố".

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, việc phân bổ tỷ lệ các phương thức tùy theo nhu cầu của từng trường. Đánh giá về chất lượng sinh viên của từng phương thức xét tuyển, GS Đức cho biết: "Những sinh viên theo diện tuyển thẳng từ các giải quốc gia, quốc tế, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh và thí sinh top trên điểm thi tốt nghiệp THPT được đánh giá rất tốt ở những năm trước. Chỉ có điều là điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ 2 năm trở lại đây ngang nhau nên chưa có cơ sở để đánh giá".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem