Diễn biến phiên họp OPEC+ đẩy giá dầu thế giới lên mức cao nhất từ năm 2014

05/10/2021 06:37 GMT+7
Giá dầu thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014 trong phiên giao dịch 4/10 (giờ New York) sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi tắt là OPEC+ thông qua việc đưa thêm vào thị trường 400.000 thùng dầu mỗi ngày kể từ tháng 11.

Giá dầu Brent có thời điểm giao dịch ở mức 82 USD/ thùng - mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay, trước khi chốt phiên ở mức 81,27 USD/ thùng, tăng 2,51%.

Giá dầu WTI tăng vượt 78 USD/ thùng, mức cao nhất kể từ năm 2017 trước khi chốt phiên ở mức 77,6 USD/ thùng. 

Quyết định của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu ngày càng tồi tệ và xuất hiện nhiều lời kêu gọi các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nới lỏng hơn nữa nguồn cung dầu ra thị trường để hạ nhiệt giá dầu đang quá nóng. Nhưng con số 400.000 thùng dầu/ ngày được OPEC+ thêm vào nguồn cung kể từ tháng 11 vẫn bị đánh giá là chưa đủ để giảm áp lực tăng giá dầu.

Diễn biến phiên họp OPEC+ đẩy giá dầu thế giới lên mức cao nhất từ năm 2014 - Ảnh 1.

Diễn biến phiên họp OPEC+ đẩy giá dầu thế giới lên mức cao nhất từ năm 2014 (Ảnh: Getty Images)

Nhu cầu cầu thô được dự báo sẽ tăng đột biến trong những tháng tới khi Bắc bán cầu bước vào mùa đông và ngày càng nhiều nền kinh tế thúc đẩy mở cửa trở lại sau đại dịch. Nhu cầu dầu tăng trong khi nguồn cung dự kiến không đủ đáp ứng có thể khiến giá dầu tăng đột biến.

Reed Blakemore, Phó giám đốc Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: “Nếu OPEC+ không có sự thay đổi đáng kể nào với kế hoạch sản xuất dầu hiện nay, điều mà chúng tôi biết rằng khó xảy ra, thì đà tăng giá vẫn sẽ tiếp tục”.

“Điều quan trọng là cuộc họp của OPEC+ hôm nay liên quan đến mức sản lượng dầu cung ra thị trường từ tháng 11. Do đó, bất kỳ quyết định nào được đưa ra hôm nay mang ý nghĩa một tín hiệu nhiều hơn…. Và nó hiện đang thúc đẩy một cuộc biểu tình giá trong toàn lĩnh vực năng lượng”, ông Blakemore nói thêm.

Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp tại Rystad Energy cũng cho rằng: “So với kỳ họp lần trước, ở lần này, OPEC+ đang đứng trước một thị trường với nguồn cung thắt chặt hơn nhiều. Đặc biệt khi giá dầu tăng vọt trong tháng 9 qua”. Trong phiên họp hồi tháng 7, OPEC+ cũng nhất trí tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ ngày mỗi tháng, kéo dài đến khoảng tháng 4/2022 nhằm phục hồi dần cung dầu từ mức cắt giảm sản lượng 5,8 triệu thùng/ngày trước đó.

Vào tháng 4/2020, OPEC+ đã đưa ra mức cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng sản lượng toàn cầu để hỗ trợ giá dầu lao dốc do cuộc khủng hoảng đại dịch.

Nhưng bước sang năm 2021, giá dầu Brent đã tăng khoảng 50% và vượt ngưỡng 80 USD/ thùng vào tháng 9. Trước phiên họp của OPEC+, giá dầu Brent dao động quanh ngưỡng 79 USD/ thùng, một mức khá cao do nguồn cung hạn chế và lực cầu kéo khi nhiều nền kinh tế mở cửa và phục hồi trở lại từ đại dịch.

Theo Rystad Energy, OPEC + là bên có tác động lớn nhất đến thị trường dầu. Rystad Energy cho rằng vẫn thế giới vẫn còn khoảng 10 triệu thùng dầu/ ngày công suất dự phòng, trong đó OPEC+ chiếm tới hơn 9,2 triệu thùng dầu/ ngày.

Tuy nhiên, trong vòng một tháng tới, vẫn còn nhiều điều có thể xảy ra. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ được ấn định vào ngày 3/11. Giả sử từ nay đến thời điểm đó giá dầu vẫn tăng cao, áp lực để OPEC+ can thiệp hạ nhiệt giá dầu sẽ lớn hơn đáng kể, theo ông Blakemore. Thực tế, một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang hình thành khi giá nhiên liệu và năng lượng tăng vọt kéo theo áp lực lạm phát, điều có thể làm xói mòn đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch.


NTTD
Cùng chuyên mục