Giá dầu tăng nóng vượt mốc 80 USD: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

29/09/2021 18:50 GMT+7
Bức tranh thị trường năng lượng hiện tại đang lạc quan hơn cả mong đợi với những nhà đầu cơ dầu mỏ, nhưng đằng sau đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho kinh tế toàn cầu.

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã vượt ngưỡng tâm lý 80 USD/ thùng vào hôm 28/9 trước khi giảm trở lại mức quanh ngưỡng 78 USD/ thùng trong phiên giao dịch 29/9 tại London. Giá dầu WTI của Mỹ giao dịch quanh ngưỡng 74-75 USD/ thùng trong cùng thời điểm.

Khi mùa đông - thời điểm nhu cầu dầu tăng cao - sắp tới và cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu đang diễn ra, bức tranh nhu cầu dầu có vẻ đầy tiềm năng. Việc các chuyến bay thương mại và hoạt động của phương tiện giao thông ngày một tăng lên gần với mức trước đại dịch cũng kích thích nhu cầu dầu toàn cầu. Nhưng sự tăng vọt của giá dầu được dự báo có thể phá hủy nhu cầu dầu toàn cầu, theo cảnh báo của Morgan Stanley. “Giá dầu đang tăng cao đến mức mà có thể bắt đầu phá hủy nhu cầu dầu - mức mà chúng tôi ước tính khoảng 80 USD/ thùng” - các chuyên gia Morgan Stanley cho hay.

Thêm vào đó, có một số yếu tố khác có thể góp phần làm chậm đà tăng trưởng của nhu cầu dầu. Chẳng hạn, sự lây lan của biến thể Delta đang đe dọa đà phục hồi của nhiều nền kinh tế, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á - Đông Á & Thái Bình Dương.

Giá dầu tăng nóng vượt mốc 80 USD: Tiềm ẩn nhiều rủi ro - Ảnh 1.

Giá dầu tăng nóng vượt mốc 80 USD đe dọa "triệt tiêu" nhu cầu dầu toàn cầu (Ảnh: Getty Images)

Ngân hàng Thế giới World Bank mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng hàng loạt quốc gia trong khu vực này ngoại trừ Trung Quốc do quan ngại về các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt của nhiều chính phủ trong làn sóng dịch gần nhất.

Tuy nhiên, ngay cả Trung Quốc - nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020 và được coi là “đầu tàu” mở đường cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, những rủi ro cũng ngày một rõ nét. Cuộc khủng hoảng thanh khoản của tập đoàn phát triển bất động sản khổng lồ China Evergrande đang có nguy cơ tác động lớn đến hệ thống tài chính trị giá 50.000 tỷ của Trung Quốc. Thêm vào đó, tình trạng thiếu điện đang buộc nhiều chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp hạn chế sử dụng điện, khiến hàng loạt nhà máy tạm ngừng hoạt động trong những khung giờ nhất định - bao gồm cả các nhà cung cấp của Apple và Tesla. 

Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao của PVM Oil Associates có trụ sở tại London, Anh cảnh báo: “Những rắc rối của nền kinh tế Trung Quốc đang phủ bóng lên nhu cầu dầu”.

Thêm vào đó, việc giá năng lượng tăng vọt cũng thúc đẩy lạm phát tăng lên, qua đó gây ra mối đe dọa đáng kể với nhu cầu dầu. “Giá dầu tăng là một trong những động lực lớn nhất của lạm phát,” Brennock viết trong một lưu ý hôm 28/9. “Và khi tình hình lạm phát ngày càng trở nên tồi tệ, nó sẽ trở thành lực cản lớn với đà phục hồi kinh tế vốn đã mong manh cũng như nhu cầu dầu. Điều này đưa thế giới vào một cuộc triệt tiêu nhu cầu dầu một cách nhanh chóng”.

Trung Quốc và Ấn Độ - hai trong số các nước nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới trong tháng này đã bắt đầu bán dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia, một nỗ lực chưa từng có nhằm hạ nhiệt giá dầu thô khi chi phí năng lượng tăng cao. 

Cụ thể, Cơ quan dự trữ chiến lược quốc gia Trung Quốc hôm 9/9 cho biết sẽ mở kho dự trữ dầu quốc gia theo từng đợt thông qua việc bán dầu cho các công ty lọc hóa dầu nhằm ổn định cung cầu thị trường trong nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cục này cho hay việc giải phóng kho dự trữ dầu sẽ "giảm bớt áp lực tăng giá nguyên liệu thô cho các công ty sản xuất".

Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Nước này phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung dầu nhập khẩu cho các hoạt động kinh tế; do đó, chính phủ Trung Quốc đã dành nhiều năm để củng cố kho dự trữ dầu khẩn cấp quốc gia. Một số nguồn tin cho hay đến năm 2017, Trung Quốc có 9 cơ sở dự trữ dầu lớn trên cả nước với tổng công suất 37,7 triệu tuấn. Trung Quốc từng đặt mục tiêu nâng dự trữ dầu khẩn cấp lên 85 triệu tấn vào cuối năm 2020, gần bằng số lượng dầu mà Mỹ giữ trong Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia.

Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức đáng kể, Bắc Kinh khó có lựa chọn nào khác ngoài việc mở kho dự trữ dầu để bình ổn thị trường dầu. Vào tháng 8, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm do giá hàng hóa, nguyên liệu thô tăng vọt. Giá năng lượng cũng tăng đột biến trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện lên cao, khiến tình trạng thiếu điện kéo dài ở một số địa phương.

Mặc dù động thái bán dầu từ kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc và Ấn Độ không thể giúp hạ giá dầu thô toàn cầu, nhưng nó gửi đi một thông điệp quan trọng về mối đe dọa khi giá dầu lên quá cao.

Ông Brennock nhận định: “Mức giá trên 70 USD/ thùng dầu thô dường như là quá đắt đỏ với Bắc Kinh và New Delhi. Khi giá dầu chạm mức 80 USD/ thùng, đó sẽ là thách thức lớn với những quốc gia nhập khẩu dầu lớn, qua đó đe dọa sự suy yếu nhu cầu dầu”.


NTTD
Cùng chuyên mục