Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4: Hiến kế xuất khẩu nông sản

Hoàng Nhật Thứ năm, ngày 03/10/2019 05:15 AM (GMT+7)
Hai Hiệp định Thương mại tự do CPTPP và EVFTA với các cam kết sâu rộng và tính ràng buộc cao đang đặt nông nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn về tiêu chuẩn hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ càng về chính sách và thể chế.
Bình luận 0

Đây sẽ là một trong số những nội dung sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới”, do Báo NTNN tổ chức vào ngày 11/10 tới.

Khó khăn chờ đợi nông sản Việt

Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), nhờ CPTPP và EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan như gạo (sang Nhật Bản, Mexico, Malaysia), rau quả (Úc, NewZealand, Nhật Bản, Canada, EU), cà phê (Đức, Tây Ban Nha, Nhật), tiêu và điều (Mexico, EU), cao su tự nhiên (Chilê, EU), gỗ và sản phẩm gỗ (Peru, Chilê), thủy sản (Nhật, EU, và Mexico)… Tuy nhiên, IPSARD cũng chỉ ra một số khó khăn với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia CPTPP và EVFTA.

img

Trái xoài Việt Nam đã được xuất khẩu tới 39 thị trường trên toàn thế giới.Ảnh: I.T

Đầu tiên, nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền XK hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các quy định SPS/TBT tại các thị trường khó tính như Nhật và các nước EU khi sản xuất trong nước chưa được quản lý chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu trong chăn nuôi, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.

Tiếp đó, nông sản Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo quyền lợi được hưởng ưu đãi thuế quan đối với một số ngành do sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu (điều, gỗ…) hoặc trong nước do chưa xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng bền vững, chưa có thói quen về lưu trữ bằng chứng minh về nguồn gốc xuất xứ trong toàn chuỗi…

"Cần có Chính sách chủ động cho hội nhập, định hướng sản xuất và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các ngành hàng yếu thế, dễ tổn thương như ngành chăn nuôi và mía đường. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy ngành có lợi thế như thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài”.

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, phân tích, nông sản Việt Nam tuy thâm nhập được khá nhiều thị trường, nhưng nhiều mặt hàng có chất lượng chưa ổn định, chưa hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường lớn nên thường gặp khó khăn trong các đợt kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Trong khi đó, hàm lượng giá trị trong đa số nông sản còn thấp. Còn liên kết trong chuỗi giá trị XK nông sản còn yếu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ép giá nông dân khi hàng hóa dư thừa; doanh nghiệp XK tranh giành nguồn hàng khi khan hiếm, nông dân sẵn sàng hủy bỏ hợp đồng với doanh nghiệp khi được trả giá cao hơn...

“Nhiều doanh nghiệp XK trong nước chưa hiểu biết rõ về nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng, một phần do hạn chế về năng lực tiếp cận nhưng mặt khác còn do sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề cũng chưa trúng, chưa thiết thực với doanh nghiệp. Chính vì vậy, tuy XK nông sản đã có nhiều kết quả tích cực nhưng Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài tiến tới một cường quốc về nông nghiệp”- TS Lực chia sẻ.

Thu thập thông tin thị trường bài bản

Đề xuất giải pháp nhằm gia tăng giá trị XK nông sản tại thị trường quốc tế, ông Lực cho biết, về phía các doanh nghiệp, cần tập trung phát triển hệ thống thông tin thị trường XK; tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý thông tin và xúc tiến thương mại...

“Đây chính là tiền đề cho sự phát triển, cho khả năng chi phối thị trường và cho thành công của doanh nghiệp. Việc thu thập thông tin thị trường cần được thực hiện bài bản trên cơ sở khoa học và liên tục cập nhật. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chú trọng giới thiệu hàng hoá để thâm nhập thị trường nước ngoài đồng thời xây dựng, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu doanh nghiệp; phát triển thương hiệu quốc gia, kết hợp hình ảnh quốc gia với các sản phẩm đặc thù và có thế mạnh của Việt Nam. Theo đó, cần chú trọng quảng bá thông tin về doanh nghiệp, đối tác chiến lược, sản phẩm chủ lực; trong đó cần đầu tư xây dựng và vận hành website bằng cả tiếng Anh”- ông Lực đưa ra lời khuyên.

Trong khi, IPSARD lại cho rằng, cần đổi mới tư duy và nhận thức về hội nhập theo hướng tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về hội nhập cho cả cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, tổ chức đại diện doanh nghiệp và nông dân. Hội nhập gắn lợi ích chung của cả nền kinh tế và lợi ích của cá nhân, tổ chức trong khi đảm bảo mục tiêu về xã hội và môi trường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem